Điều thú vị khi khám phá các sự thật về lươn điện, không phải ở hình dáng bên ngoài mà là khả năng phóng điện đáng kinh ngạc của chúng. 10 sự thật sau đây có thể bạn chưa biết về cá chình điện, một loài cá nước ngọt sống chủ yếu ở lưu vực hoặc các phụ lưu của sông Amazon ở Nam Mỹ.

1. Cá chứ không phải lươn. Do vẻ ngoài của chúng giống con lươn nên mọi người thường gọi là lươn điện (Electric eel). Nhưng thực ra chúng không phải là lươn. Chúng là một loài cá trong họ Cá dao lưng trần (Gymnotidae), thuộc chi Electrophorus. Đến nay, được phát hiện có ít nhất ba loài: Electrophorus electricus, Electrophorus varii và Electrophorus voltaic.

2. Tạo ra điện. Cơ thể trưởng thành của lươn điện có thể chứa khoảng 6.000 tế bào sinh điện (sản xuất điện) hình đĩa, được gọi là electrocyte, giống như những viên pin cực nhỏ, nằm dọc cơ thể. Khi bị đe dọa hoặc tấn công con mồi, hệ thần kinh bị kích thích, các tế bào này sẽ đồng loạt phóng điện.

3. Điện áp rất mạnh. Sự phóng điện từ mỗi tế bào điện trong chuỗi tổng thể cho phép lươn điện có thể tạo được điện áp khoảng 600 Volt trong một lần phóng điện, thậm chí ở loài Electrophorus voltaic mới được phát hiện, các nhà khoa học làm thí nghiệm đo được nó phóng tới 860 Volt!

4. Tự vệ bằng điện. Khi bị đe dọa, lươn điện có thể phóng điện cực mạnh để làm bất động hoặc làm choáng váng kẻ săn mồi. Cú sốc điện do lươn điện gây ra có thể không giết chết một người khỏe mạnh, nhưng gây đau đớn dữ dội, thậm chí tê liệt tạm thời, sẽ nguy hiểm nếu bạn bị choáng, sốc, ngã ra ngay vùng nước nguy hiểm.

5. Săn mồi bằng điện. Lươn điện cũng sử dụng điện để đi săn mồi. Chúng tạo ra điện trường ở các mức độ khác nhau. Điện áp thấp được sử dụng để cảm nhận môi trường xung quanh, cho phép phát hiện các tín hiệu điện do các động vật khác tạo ra. Điện áp cao được sử dụng để tấn công, làm choáng con mồi.

6. Cơ thể dài và uyển chuyển. Khi trưởng thành, lươn điện có thể đạt chiều dài hơn 2 mét và nặng khoảng 20kg. Cơ thể lươn điện thon dài và khả năng uốn mình uyển chuyển, cho phép chúng di chuyển qua những không gian hẹp và thảm thực vật phức tạp.

7. Thích tạo lãnh địa. Lươn điện là loài động vật sống tương đối độc lập và có tính lãnh địa cao. Chúng thiết lập các vùng săn mồi ưa thích của riêng mình và bảo vệ một cách tích cực trước những kẻ xâm nhập.

8. Khả năng ẩn mình. Lươn điện có khả năng ẩn mình giỏi trong môi trường sống tự nhiên. Cơ thể thường có màu xanh đậm hoặc hơi xám ở trên và màu vàng bên dưới. Màu sắc tối của cơ thể lươn điện hòa quyện với vùng nước âm u mà chúng sinh sống, khiến kẻ săn mồi lẫn con mồi khó phát hiện ra chúng.

9. Phát tín hiệu điện trong mùa sinh sản. Lươn điện đực phát ra tín hiệu điện tần số thấp để thu hút lươn điện cái trong mùa sinh sản. Những tín hiệu này là duy nhất đối với mỗi cá thể, hoạt động như một hình thức tán tỉnh và nhận biết bạn tình.

10. Thợ săn trong vùng nước đục. Lươn điện sở hữu các cơ quan cảm thụ được gọi là Ampullae of Lorenzini, cho phép chúng phát hiện các dòng điện nhỏ do các cá thể gần đó tạo ra, giúp chúng định hướng và tìm thấy con mồi ngay cả trong bóng tối hoàn toàn. Chúng là những thợ săn hiệu quả cao trong vùng nước đục.