Những dấu ấn trong sự nghiệp

Alessandro Giuseppe Antonio Anastasio Volta (Alessandro Volta) sinh ngày 18/2/1745 tại Como (Italia). Volta từ nhỏ đã say mê nghiên cứu khoa học tự nhiên. Từ sau những năm 1765, ông bắt đầu quan tâm và nghiên cứu hiện tượng tĩnh điện, cho đến năm 1769 cuốn sách về tĩnh điện của ông được ra mắt: “Về sự hấp dẫn của điện” giải thích về một số hiện tượng tĩnh điện.

Đặc biệt, Volta rất chú tâm vào các ứng dụng trực tiếp của lĩnh vực điện. Năm 1774, ông trở thành giảng viên vật lý tại một trường trung học ở quê hương ông cho đến năm 1779.

Volta nổi bật sớm trong lịch sử vật lý nhờ phát minh “Bình phát cảm ứng điện vĩnh cửu” (1775) mà ông gọi là nguồn gốc các động cơ cảm ứng từ của tương lai. Cũng chính Volta, năm 1776, là người đầu tiên phát hiện và phân lập được khí metan (CH4). Giai đoạn 1776 - 1777, ông tập trung nghiên cứu hoá học, nghiên cứu dòng điện trong chất khí và tiến hành các thí nghiệm như sự phóng điện trong bình kín.

Năm 1779, ông được bổ nhiệm làm trưởng khoa vật lý tại trường đại học Pavia (Italia). Năm 1795 ông trở thành Hiệu trưởng của trường đại học này. Năm 1819, ông nghỉ hưu.

Năm 1791, bạn của Volta, Luigi Galvani, cũng là nhà vật lý người Ý, tuyên bố rằng sự tiếp xúc của hai kim loại khác nhau với cơ chân của một con ếch bị lột da sẽ tạo ra dòng điện khiến chân bị co giật. Galvani giải thích đó là một dạng điện mới được tìm thấy trong mô sống mà ông gọi là “điện động vật”.

Năm 1792, Volta nghiên cứu về các hiện tượng điện sinh lý và bắt đầu xem xét kĩ lưỡng lại các thí nghiệm của Galvani. Volta cảm thấy rằng con ếch chỉ là vật truyền dòng điện chạy giữa hai kim loại mà ông gọi là “điện kim loại”. Ông tiến hành các thử nghiệm chỉ với kim loại, nhận thấy mô động vật không phải tạo ra dòng điện. Điều đó gây ra nhiều tranh cãi giữa những người ủng hộ “điện động vật” và những người ủng hộ “điện kim loại”, nhưng với công bố của Volta về pin điện đầu tiên vào năm 1800, sự thật được sáng tỏ. Volta chứng minh rằng dòng điện tạo ra trong thí nghiệm của Galvani không phải do mô động vật tạo ra mà là một phản ứng hóa học.

Phát minh quan trọng nhất

Năm 1800 là thời kì quan trọng nhất của Volta khi phát minh pin điện hoá (pin Volta) đầu tiên, có thể sản sinh ra dòng điện liên tục, ổn định. Được biết đến như là cọc volta (Voltaic Pile), pin Volta bao gồm các đĩa kẽm và đồng xếp xen kẽ, chồng lên nhau, được ngăn cách bằng giấy hoặc vải, ngâm trong nước muối. Một dòng điện đơn giản và đáng tin cậy tạo ra, không cần phải sạc lại như bình Leyden.

Phát minh mang tính cách mạng này của Volta đã đặt nền móng cho việc phát triển pin hiện đại sau này. Việc phát minh ra pin của Volta còn mở đường cho nhiều ứng dụng thực tế khác cần sử dụng năng lượng dự trữ trong pin.

Năm 1801 tại Paris, Volta trình diễn cách tạo ra dòng điện bằng pin của mình trước Napoléon Bonaparte, người đã phong Volta trở thành bá tước và thượng nghị sĩ của vương quốc Lombardy (sau này là vương quốc Ý).

Truyền năng lượng cho các nhà khoa học khác

Phát minh của Volta nhanh chóng dẫn đến một làn sóng thí nghiệm điện mới. Trong vòng sáu tuần kể từ thông báo của Volta, các nhà khoa học người Anh William Nicholson và Anthony Carlisle đã sử dụng cọc volta để phân hủy nước thành hydro và oxy, từ đó khám phá ra điện phân và tạo ra trường điện hóa học.

Trong sự nghiệp giảng dạy và tiến hành nghiên cứu của mình, Volta cũng truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ nhà khoa học đầy tham vọng và có ý tưởng tìm tòi khám phá những nghiên cứu mới. Một nhân vật đáng chú ý được Volta truyền cảm hứng là Michael Faraday, người có đóng góp ấn tượng trong lĩnh vực điện từ.

Các thí nghiệm do Alessandro Volta thực hiện đã đặt nền móng cho lĩnh vực điện hóa học Những khám phá và hiểu biết của ông về các phản ứng hóa học đã mở đường cho những tiến bộ hơn nữa trong ngành khoa học này.

Năm 1803, Volta được bầu làm hội viên hội Hoàng Gia Anh. Năm 1815, Hoàng đế Áo Francis I đã bổ nhiệm ông làm giám đốc khoa triết học tại Đại học Padua.

Sự kiện Volta được Napoléon Bonaparte bổ nhiệm làm thượng nghị sĩ của vương quốc Ý, vị trí danh giá này càng làm nổi bật vị thế của Volta trong xã hội với tư cách là một nhà khoa học và trí thức được kính trọng.

Alessandro Volta mất ngày 5/3/1827 tại quê nhà Como, Italia. Một ngôi sao sáng trên thế giới khoa học tắt lịm nhưng thành tựu, dấu ấn của ông để lại không phai mờ với nhân loại. Các công trình nghiên cứu, phát minh của Volta là nền tảng cơ bản để thế hệ sau tiếp tục phát triển các hướng đi mới, làm thay đổi sâu rộng cả thế giới.

Volt (ký hiệu là V) là đơn vị điện áp (hiệu điện thế) được đặt theo tên của Volta để vinh danh ông. Đây là một minh chứng cho những đóng góp của Alessandro Volta cho khoa học.