Những năm đầu của Nikola Tesla

Nikola Tesla sinh ngày 10/7/1856 tại Smiljan, Croatia, khi đó là một phần của đế chế Áo - Hung. Đam mê kỹ thuật, Tesla học Toán và Vật lý tại Đại học Kỹ thuật Graz. Ông cũng học Triết học tại Đại học Praha. Tại Graz (Áo), lần đầu tiên nhìn thấy máy phát điện Gramme, ông bắt đầu suy nghĩ cách tạo dòng điện xoay chiều để có nhiều ứng dụng trong cuộc sống. 

Cuối năm 1882, ông chuyển đến Paris (Pháp), làm việc tại Công ty Continental Edison, công việc của ông là thiết kế và cải tiến các thiết bị điện. Năm 1883, khi đến Strassburg làm việc, ông đã dành nhiều thời gian để chế tạo động cơ cảm ứng đầu tiên của mình.

Năm 1884, Tesla đặt chân đến New York (Hoa Kỳ), được nhận vào làm việc tại Edison Machine Works. Tesla làm việc ở đó một năm, gây ấn tượng với Edison về sự siêng năng và khéo léo của mình. Nhưng hai nhà phát minh khác xa nhau về nền tảng và phương pháp, sự xa cách của họ là không thể tránh khỏi. Không đồng thuận nhau về phương pháp làm việc, trong đó có việc trả lương của Edison, Tesla đã nghỉ việc sau đó.

Sau khi rời khỏi Edison Machine Works, tháng 3/1885, Tesla đã gặp luật sư Lemuel W. Serrell, để có được sự giúp đỡ trong việc đăng ký bằng sáng chế. Serrell đã giới thiệu Tesla với hai doanh nhân, Robert Lane và Benjamin Vail, họ đồng ý tài trợ cho công ty của Tesla (Tesla Electric Light & Manufacturing). Sau đó, Tesla đã nỗ lực làm việc để có được các bằng sáng chế, trong đó máy phát điện một chiều DC cải tiến là bằng sáng chế đầu tiên được cấp cho Tesla ở Mỹ.

Tuy nhiên, ý tưởng của Tesla về các động cơ và thiết bị truyền tải điện xoay chiều thế hệ mới ít được các nhà đầu tư quan tâm. Năm 1886, công ty của Tesla bị cạnh tranh gay gắt đến mức các nhà đầu tư từ bỏ công ty của Tesla, thành lập công ty mới, bỏ rơi nhà phát minh. Tesla thậm chí bị mất quyền kiểm soát các bằng sáng chế mà ông đã tạo ra, vì ông đã giao chúng cho công ty để đổi lấy cổ phiếu. Tesla phải đi làm thợ điện, thậm chí phải đi đào mương để kiếm sống.

Những thành công…

Cuối năm 1886, Tesla đã gặp doanh nhân Alfred S. Brown và luật sư Charles F. Peck, những người có kinh nghiệm trong việc thành lập các công ty và thúc đẩy các phát minh, bằng sáng chế để đạt được tài chính. Dựa trên những ý tưởng mới của Tesla cho thiết bị điện, họ đồng ý hỗ trợ tài chính cho nhà phát minh và cùng nhau thành lập Công ty Điện lực Tesla (Tesla Electric Company) vào tháng 4/1887, đồng thời thành lập một phòng thí nghiệm tại 89 Liberty Street ở Manhattan, nơi Tesla làm việc để sáng chế, phát triển các loại động cơ điện, máy phát điện và các thiết bị khác.

Năm 1887 và 1888, Tesla đã được cấp hơn 30 bằng sáng chế cho các phát minh của mình và được mời đến phát biểu tại Viện Kỹ sư điện Hoa Kỳ về công việc của mình. Bài giảng của ông đã thu hút sự chú ý của George Westinghouse, người đứng đầu Công ty Điện Westinghouse ở Pittsburgh, và là đối thủ cạnh tranh chính của Edison.

Nikola Tesla

Ngày 16/5/1888, Tesla trình diễn động cơ xoay chiều AC của ông tại Viện Kỹ sư điện Hoa Kỳ, hệ thống mà George Westinghouse rất quan tâm để tiếp cận thị trường. Tháng 7/1888, George Westinghouse mua bản quyền bằng sáng chế đối với hệ thống polyphase của Tesla gồm máy phát điện xoay chiều, máy biến áp và động cơ, đã mang về cho Tesla một số tiền đáng kể. Giao dịch này cũng dẫn đến một cuộc cạnh tranh lớn giữa các hệ thống dòng điện một chiều của Edison và hệ thống dòng điện xoay chiều của Tesla - Westinghouse.

Westinghouse cũng thuê Tesla làm việc trong một năm để trở thành nhà tư vấn tại các phòng thí nghiệm của Westinghouse Electric.

Có số tiền lớn từ Westinghouse, Tesla tiếp tục say mê hoạt động nghiên cứu. Năm 1891, ông phát minh ra cuộn dây Tesla, một cuộn cảm ứng ngày nay được sử dụng rộng rãi trong công nghệ vô tuyến và các thiết bị điện tử khác. Năm 1891 cũng đánh dấu ngày Tesla trở thành công dân Hoa Kỳ.

Năm 1893, Westinghouse đã sử dụng hệ thống dòng điện xoay chiều của Tesla để trình diễn tại Triển lãm Columbian thế giới tại Chicago. Thành công này là một yếu tố giúp họ hợp tác với General Electric, giành được hợp đồng lắp đặt máy phát điện xoay chiều đầu tiên tại Niagara, mang tên Tesla. Sau đó, dự án chuyển giao cho Buffalo vào năm 1896.

Năm 1894, Tesla cũng thử nghiệm nghiên cứu một nguồn năng lượng phóng xạ không nhìn thấy được khi ông thông báo rằng nguồn năng lượng này đã làm hỏng tấm phim trong phòng thí nghiệm của ông trong những thí nghiệm trước đó (sau này được xác định là "Tia X").

Năm 1898, Tesla công bố phát minh của mình về một chiếc thuyền tự di chuyển được điều khiển từ xa. Trước sự hoài nghi của mọi người, Tesla chứng minh tuyên bố của mình bằng cách điều khiển từ xa một chiếc thuyền dài khoảng 1,2 mét bằng sóng vô tuyến, chạy quanh một hồ nước trước sự chứng kiến của rất nhiều người ở Madison Square Garden.

Sáng chế của Tesla với chiếc tàu điều khiển bằng sóng vô tuyến đã vượt xa ra khỏi thời đại của nó và mọi người chứng kiến sự kiện vào thời điểm đó không bao giờ có thể hình dung được ứng dụng thực tế vĩ đại của nó trong tương lai. Điều khiển vô tuyến từ xa vẫn là điều mới lạ cho đến chiến tranh thế giới thứ nhất, sau đó, một số quốc gia sử dụng nó trong các chương trình quân sự. Ngày nay, chiếc remote ti vi không còn xa lạ với mọi người.

Nikola Tesla có ít bạn bè nhưng trong số bạn bè của ông có người bạn đặc biệt là nhà văn huyền thoại người Mỹ Mark Twain. Theo nhiều lời kể, Mark Twain đặc biệt bị cuốn hút bởi công nghệ và điện. Đến thăm New York vào những năm 1890, ông kết thân với Nikola Tesla, trước đó đã đọc một số tác phẩm của Mark Twain khi Tesla đang hồi phục sau một căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng vào những năm 1870. Theo chính Tesla, những câu chuyện hấp dẫn trong cuốn sách của Mark Twain là động lực giúp ông phục hồi sức khỏe, quên đi trạng thái tuyệt vọng của mình.

Những thất bại…

Năm 1900, Tesla quay trở lại New York. Thời điểm đó, ông nhận được sự hậu thuẫn từ nhà tài chính J.P. Morgan và bắt đầu xây dựng một tháp phát sóng không dây toàn cầu tập trung tại tòa tháp Wardenclyffe Tower, trên Long Island. Số vốn đầu tư khoảng 150.000 USD từ nhà tài chính người Mỹ J.P. Morgan. Với dự án này, Tesla dự kiến sẽ cung cấp thông tin liên lạc trên toàn thế giới. Tuy nhiên, sau đó do khủng hoảng tài chính, dự án đã bị bỏ dở, tiền cạn kiệt, Morgan chùn bước trước những kế hoạch hoành tráng của Tesla và rút lại sự hỗ trợ. Đó là thất bại lớn nhất của Tesla.

Công việc của Tesla sau đó chuyển sang các dự án khác. Vì thiếu kinh phí, những ý tưởng của ông vẫn nằm trong sổ ghi chép của mình.

Mặc dù nổi tiếng và được kính trọng, nhưng Tesla không bao giờ có thể biến những phát minh phong phú của mình thành thành công tài chính lâu dài, không giống như người chủ đầu tiên và cũng là đối thủ chính của ông - Thomas Edison.

Tesla có bộ óc thiên tài nhưng khá thiếu thực tế trong các vấn đề tài chính và là một người lập dị. Nhưng Tesla có một trực giác để cảm nhận những bí mật khoa học tiềm ẩn và sử dụng tài năng phát minh của mình để chứng minh giả thuyết của mình.

Những năm cuối đời của Nikola Tesla

Tiền bán bản quyền các phát minh sáng chế dần cạn kiệt, cộng với thất bại trong dự án tháp phát sóng không dây Wardenclyffe, Tesla đã sống những năm cuối đời trong một loạt khách sạn ở New York, làm việc trên những phát minh mới khi năng lượng và sức khỏe tinh thần của ông suy yếu dần.

Tesla qua đời ngày 7/1/1943 trong một căn phòng khách sạn tại New York, Hoa Kỳ. Nikola Tesla từng bị coi là nhà bác học lập dị vì các ý tưởng của ông đi trước thời đại quá xa. Vào thời đại đó, nhiều người cho rằng Nikola Tesla bị điên khi nghĩ ra những điều không tưởng. Ông chỉ buồn bã thốt lên: “Thế giới thiển cận và lầm lạc khi cười nhạo các ý tưởng của tôi. Biết bao nhiêu người gọi tôi là kẻ hay tưởng tượng. Nhưng hãy để cho thời gian trả lời tất cả”.

Hàng trăm người đã đến Nhà thờ Thánh John the Divine ở thành phố New York để dự lễ tang của ông, ghi nhận sự ra đi của một thiên tài, một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất mọi thời đại.

Tượng Nikola Tesla tại ngôi làng quê hương của ông

Sau cái chết của Tesla, các giấy tờ, bằng cấp sáng chế, danh hiệu, thư từ và ghi chú trong phòng thí nghiệm của ông, đã được thừa kế bởi cháu trai của Tesla, Sava Kosanovich, sau đó được đặt trong Bảo tàng Nikola Tesla ở Belgrade, Serbia.

Hầu hết mọi người nhìn nhận Nikola Tesla như một nhà khoa học đơn thuần, luôn cống hiến hết mình cho khoa học và để lại những di sản đáng quý cho nhân loại.