Đối với hầu hết mọi người, mất điện không phải là điều mới mẻ. Nhiều người từng dùng ánh sáng của nến để ăn cơm hoặc đọc sách, bị mắc kẹt trong thang máy, mất dữ liệu khi đang làm việc... Thông thường, tình trạng mất điện xảy ra do lỗi của con người và lỗi kỹ thuật nhưng các thiên tai như động đất, sóng thần, bão, sét đánh cũng gây hậu quả đáng kể.
Những vụ mất điện cụ thể sau đây là bằng chứng cho thấy, việc ngừng hoạt động lưới điện trên khu vực rộng lớn không phải là sự kiện “không thể xảy ra”. Dưới đây là những vụ mất điện lớn nhất thế giới mọi thời kỳ, tính theo số lượng người bị ảnh hưởng.
1. Mất điện ở Ấn Độ, ngày 30 - 31/7/2012 (620 triệu người bị ảnh hưởng)
Nắng nóng cực độ vào mùa hè năm 2012 đã chứng kiến việc sử dụng điện đạt mức kỷ lục ở thủ đô New Dehli. Đợt gió mùa đến muộn hơn thường lệ, thiếu mưa, khiến các nhà máy thủy điện hoạt động dưới công suất. Những yếu tố này có phải là nguyên nhân trực tiếp hay không vẫn chưa thực sự được xác định. Nhưng chúng góp phần tạo ra sự kiện mất điện lớn nhất thế giới tính cho đến nay.
Sự cố mất điện đầu tiên xảy ra vào ngày 30/7/2012, khi cầu dao ngắt mạch trên tuyến Bina - Gwalior, tác động lan truyền khắp lưới điện. Kết quả, các nhà máy điện ở khu vực bị ảnh hưởng đều đóng cửa, gây thiếu hụt 32 GW, khiến khoảng 400 triệu người ở 9 bang lớn của Ấn Độ, mất điện trong vài giờ.
Sang hôm sau, ngày 31/7/2012 lại xảy ra sự cố rơle gần Taj Mahal, khiến một số nhà máy điện phải ngắt kết nối với lưới điện. Khoảng 38% công suất phát điện của Ấn Độ đã ngừng hoạt động. Hậu quả tình trạng mất điện ảnh hưởng đến 22 trong số 28 bang ở phía bắc và phía đông đất nước.
Sự cố mất điện hai ngày liên tiếp cuối tháng 7/2012, ảnh hưởng đến 620 triệu người, hơn một nửa dân số Ấn Độ! Thử hình dung, con số này tương đương khoảng 9% dân số toàn thế giới vào thời điểm đó! Điều này đưa Ấn Độ thành quốc gia hứng chịu đợt mất điện lớn nhất thế giới từ trước đến nay. May mắn, cả hai sự cố đều được giải quyết tương đối nhanh chóng, điện được khôi phục ở hầu hết các khu vực trước ngày 1/8/2012.
2. Mất điện ở Ấn Độ, ngày 2/1/2001 (230 triệu người bị ảnh hưởng)
Vụ mất điện lớn thứ hai thế giới cũng xảy ra ở Ấn Độ. Sự cố tại trạm biến áp Uttar Pradesh dẫn đến sập lưới điện trên khắp miền bắc đất nước. Vụ việc ảnh hưởng đến 6 bang và thủ đô New Dehli, gần 1/4 dân số cả nước (230 triệu người) bị chìm trong bóng tối tới 12 giờ.
Việc mất điện trên diện rộng đã gây hậu quả vô cùng lớn. Khoảng 80 đoàn tàu điện bị mắc kẹt trên đường ray trong 15 giờ, chặn các tuyến đường cho đến khi các đoàn tàu chạy bằng diesel đến giải cứu. Các bệnh viện không có máy phát điện dự phòng phải hoãn các ca phẫu thuật. Đường giao thông ùn tắc do đèn giao thông ngừng hoạt động. Máy bơm chạy bằng điện cũng không hoạt động, khiến người dân hạn chế khả năng tiếp cận với nước sạch.
3. Mất điện ở Bangladesh, ngày 1/11/2014 (150 triệu người bị ảnh hưởng)
Bangladesh, nước láng giềng của Ấn Độ, cũng gặp sự cố mất điện khiến người dân không có điện trong 10 giờ. Một sự cố xảy ra vào cuối giờ sáng ngày 1/11/2014, tại một trạm biến áp ở Bheramara, làm gián đoạn đường dây truyền tải 400kV từ Ấn Độ đến quận Kushtia (Bangladesh).
Điện được khôi phục ở một số vùng trên cả nước vào lúc 21 giờ tối và có đầy đủ công suất vào nửa đêm. Phần lớn doanh nghiệp Bangladesh đóng cửa trong thời gian mất điện, trong khi các địa điểm quan trọng như bệnh viện, sân bay vẫn duy trì được điện nhờ máy phát điện dự phòng.
4. Mất điện ở Pakistan, ngày 25/1/2015 (140 triệu người bị ảnh hưởng)
Sự bất ổn chính trị là nguyên nhân sâu xa của vụ việc này, dẫn đến vụ mất điện lớn nhất từ trước đến nay ở Pakistan, khiến 80% đất nước không có điện. Lực lượng phiến quân đã cho nổ tung hai tháp truyền tải ở khu vực Notal của Naseerabad. Sự cố làm gián đoạn vận hành các nhà máy điện của Pakistan, cắt giảm công suất phát điện xuống còn 600 MW vào thời điểm mà nhu cầu quốc gia thông thường là 9.000 MW.
Điện được khôi phục ở thủ đô Islamabad và các thành phố lớn như Karachi vào đêm chủ nhật. Nhưng phải đến thứ hai tuần sau, nguồn cung cấp mới được phục hồi hoàn toàn.
5. Mất điện ở Indonesia, ngày 18/8/2005 (ảnh hưởng 100 triệu người)
Sự cố đường dây truyền tải 500kV giữa Cilegon và Saguling ở Tây Java vào buổi sáng 18/8/2005 đã khởi đầu chuỗi sự kiện bao gồm việc đóng cửa hai tổ máy của nhà máy điện Paiton ở Đông Java, cùng với sáu tổ máy của nhà máy điện Suralaya ở phía Tây Java.
Sự cố dẫn đến thiếu hụt công suất 2.700 MW, gây ra tình trạng mất điện trên hầu hết hai hòn đảo Java, Bali và một phần thủ đô Jakarta của Indonesia. Hậu quả mất điện khiến cho những hành khách di chuyển bằng tàu điện, các chuyến bay nội địa và quốc tế đều bị hủy, các doanh nghiệp phải đóng cửa. Điện được khôi phục ở hầu hết địa điểm bị ảnh hưởng vào cuối buổi chiều cùng ngày.
6. Mất điện ở Brazil ngày 11/3/1999 (97 triệu người bị ảnh hưởng)
Sét đánh làm đứt mạch điện 440kV tại một trạm biến áp ở bang São Paulo. Nhà máy thủy điện Itaipu, lúc đó là nhà máy phát điện lớn nhất thế giới, đã cố gắng hỗ trợ phụ tải. Nhưng các đường dây truyền tải 750kV AC và 600kV DC nối nhà máy với lưới điện không thể duy trì tải và nhà máy Itaipu cũng dừng hoạt động.
Sự cố mất điện khiến một phần ba phía nam Brazil không có điện, bao gồm São Paulo, Rio de Janeiro, Minas Gerais, Goiás, Mato Grosso, Mato Grosso do Sul và Rio Grande do Sul. Việc khôi phục nguồn điện trở lại bốn giờ sau đó.
7. Mất điện ở Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 14/4/2015 (70 triệu người bị ảnh hưởng)
Hai nhà máy điện Izmir và Cukurova bị hỏng trong cùng một ngày. Điều này làm giảm tới 10% công suất của lưới điện ở Thổ Nhĩ Kỳ. Sự cố mất điện kéo dài khoảng 10 giờ. Lưới điện Thổ Nhĩ Kỳ ở cả phần phía tây và phía đông của hệ thống được đồng bộ trở lại khoảng bảy giờ sau khi sự cố xảy ra, với 95% nguồn cung cấp được khôi phục trong vòng vài giờ sau đó.
8. Mất điện ở Brazil và Paraguay, ngày 10/11/2006 (60 triệu người bị ảnh hưởng)
Gió mạnh và mưa lớn là nguyên nhân gây ra tình trạng mất điện, dẫn đến việc đóng cửa đập Itaipu, đập thủy điện Brazil chia sẻ với Paraguay. Thời tiết xấu khiến ba máy biến áp trên đường dây truyền tải điện cao thế bị chập mạch. Kết quả ngay lập tức mất 14 GW điện.
Các đường kết nối giữa Itaipu với nhà máy điện chính khác của Paraguay tại Yacyretá ở biên giới Argentina cũng bị hỏng, khiến cả đất nước chìm trong bóng tối. Ở Brazil, gần 3/4 số bang (18/26) bị mất điện. Các thành phố lớn bị ảnh hưởng bao gồm São Paulo, Rio de Janeiro, Belo Horizonte, Campo Grande và Vitória.
9. Mất điện ở Ý, ngày 28/9/2003 (56 triệu người bị ảnh hưởng)
Đây là vụ mất điện lớn nhất ảnh hưởng đến toàn bộ nước Ý (ngoại trừ các đảo Sardinia và Elba) trong tối đa 12 giờ, cũng như một số vùng của Thụy Sĩ. Mất điện lúc 3 giờ 20 sáng 28/9/2003 giờ địa phương. Báo cáo ban đầu từ nhà điều hành mạng lưới truyền tải GRTN tiết lộ rằng một cơn bão đã làm hỏng đường dây điện trên cao tại đèo Lukmanier, nơi cung cấp điện từ Thụy Sĩ đến Ý. Điều này khiến nhu cầu sử dụng hai đường dây 400kV vận chuyển điện giữa Pháp và Ý tăng đột ngột cũng bị gián đoạn.
Gần như tất cả các thành phố lớn đều có điện trở lại vào sáng hôm sau. Tuy nhiên, việc cắt điện theo lịch trình đối với 5% dân số được thực hiện trong hai ngày tiếp theo cho đến khi nguồn cung cấp trở lại hết công suất.
10. Mất điện ở Hoa Kỳ và Canada, ngày 14/8/2003 (55 triệu người bị ảnh hưởng)
Vụ mất điện lan rộng xảy ra ở miền Đông nước Mỹ và Canada, ảnh hưởng đến 45 triệu người trên khắp 8 tiểu bang của Hoa Kỳ, cộng thêm 10 triệu cư dân ở Ontario, Canada. Hầu hết đều có điện trở lại trong vòng vài giờ hoặc dài nhất là vài ngày. Nhưng một số người dân sống ở vùng sâu, vùng xa đã không có điện gần một tuần.
Sự cố mất điện dường như do quá tải lưới điện, khi cao điểm nắng nóng, các gia đình và cơ sở kinh doanh tăng cường điều hòa không khí, làm tăng nhu cầu năng lượng. Cùng với đó, một nhà máy điện ở Eastlake, Ohio bị sập. Điều này gây áp lực lớn lên đường dây điện cao thế ở Walton Hills, ngoại ô Cleveland. Lưới điện không thể chịu thêm tải và bị đứt. Điều này khiến nhiều nhà máy bị mất một phần tải và lệch pha với lưới điện, do đó, chúng cũng chuyển sang “chế độ an toàn” để tránh thiệt hại thêm.
Kết quả mất điện trên diện rộng xảy ra ở New York, Maryland, Michigan, New Jersey, Ohio, Ontario,... Theo điều tra chính thức về vụ việc của chính phủ Mỹ và Canada, nó đã ảnh hưởng đến 508 tổ máy phát điện trên 265 nhà máy điện.