Khám phá 12 điều cơ bản về dòng điện, bạn sẽ hiểu qua các đặc tính, ứng dụng và tác động của dòng điện trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

● Dòng điện là dòng điện tích chạy qua dây dẫn hoặc vật dẫn điện. Đó là sự chuyển động của các electron hoặc các hạt tích điện khác.

● Dòng điện có hai loại. Dòng điện một chiều (DC - Direct Current) là loại dòng điện chạy theo một hướng nhất định. Dòng diện xoay chiều (AC - Alternating Current) là loại dòng điện thay đổi hướng theo chu kỳ. Hầu hết thiết bị điện gia dụng sử dụng nguồn AC, trong khi pin cung cấp nguồn DC.

● Dòng điện thường được đo bằng đơn vị là Ampe (A). Đơn vị Ampe được đặt theo tên nhà vật lý người Pháp André-Marie Ampère (1775 - 1836), người có các công trình đóng góp cho sự phát triển lĩnh vực điện từ. Ampe kế là thiết bị dùng để đo cường độ dòng điện trong mạch.

● Dòng điện chạy từ nơi có điện áp cao đến nơi có điện áp thấp. Trong mạch điện, dòng điện chạy từ nơi có điện áp cao đến nơi có điện áp thấp hơn. Dòng điện chạy thông suốt, thuận lợi nhờ vật liệu dẫn điện.

● Chiều dòng điện ngược chiều với chiều di chuyển của các electron. Chiều dòng điện theo quy ước là chiều từ cực dương qua dây dẫn và các thiết bị điện tới cực âm của nguồn điện. Trong khi đó, khi có dòng điện trong dây dẫn, các electron tự do trong dây dẫn di chuyển từ cực âm sang cực dương của nguồn điện, ngược với chiều qui ước của dòng điện.

● Dòng điện chịu ảnh hưởng của điện trở. Điện trở là đại lượng đặc trưng có tính chất cản trở dòng điện và có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như nhiệt độ, thành phần vật liệu. Điện trở được đo bằng đơn vị là Ohms, được đặt theo tên nhà vật lý người Đức Georg Simon Ohm (1789 - 1854).

● Dòng điện tạo ra từ trường. Khi dòng điện chạy qua một dây dẫn, nó sẽ tạo ra một từ trường xung quanh nó. Điều này là cơ sở cho việc khám phá mối quan hệ giữa điện trường và từ trường. Đó là nguyên tắc cơ bản đằng sau hoạt động của các thiết bị như động cơ điện, máy phát điện.

● Dòng điện có thể sinh nhiệt. Khi dòng điện đi qua một dây điện trở, chẳng hạn như dây tóc bóng đèn hoặc bộ phận làm nóng, nó sẽ tạo ra năng lượng nhiệt. Nguyên lý này được sử dụng trong nhiều thiết bị khác nhau, như lò nướng bánh, bếp điện, bóng đèn.

● Dòng điện rất nguy hiểm nếu không được kiểm soát đúng cách. Dòng điện cao có thể gây ra những nguy hiểm đáng kể như điện giật, bỏng và cháy điện. Điện giật xảy ra khi dòng điện chạy qua cơ thể người. Điều quan trọng là phải thực hiện các biện pháp tuyệt đối an toàn khi tiếp xúc với điện.

● Dòng điện một chiều (DC) được sử dụng trong các thiết bị điện tử. Các thiết bị điện tử như máy tính, tivi, điện thoại thông minh,... hoạt động bằng dòng điện một chiều. Chúng thường chứa các bộ cấp nguồn tích hợp để chuyển đổi AC thành DC cho hoạt động bên trong của chúng.

● Dòng điện xoay chiều (AC) được sử dụng để truyền tải điện đi xa. AC phù hợp hơn cho việc truyền tải điện đường dài do khả năng dễ dàng thay đổi và điều chỉnh điện áp. Các nhà máy điện tạo ra dòng điện xoay chiều, sau đó được phân phối qua lưới điện.

● Dòng điện tuân theo định luật Ohm. Định luật Ohm phát biểu rằng dòng điện chạy qua một dây dẫn tỷ lệ thuận với điện áp trên dây dẫn và tỷ lệ nghịch với điện trở. Điều này giúp ta hiểu và tính toán hoạt động của các mạch điện.