Dưới đây là 12 sự thật hấp dẫn về năng lượng thủy triều có thể khiến bạn ngạc nhiên!

Năng lượng thủy triều là gì?

1. Khai thác chu kỳ thủy triều của sông, biển. Năng lượng thủy triều vận hành liên quan đến việc tận dụng động năng và thế năng từ các chu kỳ lên xuống hằng ngày của thủy triều để tạo ra điện.

2. Năng lượng có thể dự đoán được. Không giống như năng lượng gió hay năng lượng mặt trời phụ thuộc vào thời tiết nên sản lượng có thể không liên tục, năng lượng thủy triều có thể dự đoán được và nhất quán nên đáng tin cậy. Độ tin cậy này là lợi thế đáng kể đối với lưới điện, giúp dự báo sản lượng điện dễ dàng hơn.

3. Không thải ra khí nhà kính và chất ô nhiễm. Việc sản xuất năng lượng thủy triều không cần bất kỳ loại nhiên liệu nào, bởi đại dương chiếm hơn 70% diện tích bề mặt Trái đất và chảy quanh năm. Đồng thời, không có sản phẩm phụ nào như khí nhà kính hoặc các chất ô nhiễm được thải ra trong quá trình sản xuất điện thủy triều.

Năng lượng thủy triều hoạt động như thế nào?

3. Cách thức hoạt động. Năng lượng thủy triều hoạt động bằng cách sử dụng turbine đặt ở những khu vực có chuyển động thủy triều mạnh. Khi thủy triều lên và xuống, dòng nước chảy vào và ra, chúng sẽ làm quay các turbine để tạo ra điện. Năng lượng thủy triều có các dạng chính để sản xuất điện: đập thủy triều (tích nước qua đập ngăn), dòng thủy triều (khai thác dòng chảy).

4. Đập thủy triều. Đập thủy triều được xây dựng trên các cửa sông có thủy triều. Đập tích nước khi thủy triều lên và xả nước qua các turbine khi thủy triều xuống, tạo ra điện. Phương pháp này hiệu quả nhưng có thể ảnh hưởng đến các hệ sinh thái địa phương.

5. Dòng thủy triều. Ở các khu vực thủy triều lớn, các turbine (giống như turbine gió dưới nước) được đặt ở nơi có dòng chảy mạnh để thu động năng từ nước, tạo ra điện. Máy phát điện dòng thủy triều ít xâm lấn hơn đập thủy triều.

Tác động của năng lượng thủy triều đối với môi trường

7. Môi trường sống của sinh vật biển. Các đập thủy triều có thể tác động đến sinh vật biển tại địa phương bằng cách thay đổi dòng chảy và mô hình trầm tích. Cá và các sinh vật biển có thể bị ảnh hưởng đến môi trường sống của chúng.

8. Tích tụ trầm tích. Những thay đổi trong dòng chảy thủy triều có thể ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển trầm tích, tác động đến xói mòn và lắng đọng bờ biển. Điều này có thể gây ra những tác động lâu dài đến cảnh quan và hệ sinh thái ven biển.

9. Ô nhiễm tiếng ồn. Các turbine dưới nước có thể gây ra tiếng ồn, ảnh hưởng đến sinh vật biển. Các chủ sở hữu dự án và các nhà khoa học đang nghiên cứu thực nghiệm nhằm mục đích giảm thiểu tác động này.

Các dự án năng lượng thủy triều lớn

10. Nhà máy điện thủy triều La Rance. Nằm trên cửa sông Rance ở Brittany (Pháp), La Rance là nhà máy điện thủy triều đầu tiên trên thế giới, được xây dựng từ năm 1961 đến năm 1966. Nhà máy La Rance có công suất 240 MW, với 24 turbine, công suất 10 MW mỗi turbine. Nhà máy này từng là nhà máy điện thủy triều lớn nhất thế giới trong hơn bốn thập kỷ cho đến khi nhà máy điện thủy triều hồ Sihwa đi vào hoạt động vào năm 2011.

11. Nhà máy điện thủy triều hồ Sihwa. Nhà máy điện thủy triều hồ Sihwa là nhà máy điện thủy triều lớn nhất trên thế giới hiện nay. Nhà máy nằm trên hồ Sihwa, tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc), được khánh thành vào năm 2011. Nhà máy này có công suất 254 MW, đóng góp đáng kể vào mục tiêu năng lượng tái tạo của Hàn Quốc.

12. Nhà máy điện thủy triều MeyGen. Dự án điện thủy triều MeyGen ở Scotland là dự án năng lượng thủy triều được quy hoạch lớn nhất thế giới, với công suất 398 MW. Dự án được thực hiện theo nhiều giai đoạn. Giai đoạn 1 (6 MW), bắt đầu hoạt động vào tháng 4/2018, tổng sản lượng tích lũy đạt 51 GWh vào tháng 3/2023. Giai đoạn 2 (28 MW) dự kiến vận hành năm 2027. Giai đoạn 3 (22 MW) dự kiến vận hành năm 2028.