1. Nguồn gốc than. Than là một loại trầm tích có màu đen, dễ cháy, do các loài thực vật bị phân hủy, chôn vùi dưới lòng đất trong hàng triệu năm. Dưới tác động áp suất, nhiệt độ và địa chất, các mảnh vụn thực vật mục nát trải qua những thay đổi, tạo thành vật liệu gọi là than bùn. Sau đó, do sự thay đổi về nhiệt và áp suất, than bùn chuyển thành than. Đây là loại nhiên liệu hóa thạch dồi dào nhất.

2. Đốt than để lấy năng lượng. Than có thành phần chủ yếu là carbon và hydrocarbon. Chúng ta đốt nhiên liệu hóa thạch này chủ yếu để sản xuất điện. Điều này thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp vào thế kỷ 19 và cũng khởi đầu kỷ nguyên điện trong thế kỷ 20.

3. Có 4 loại than. Đó là Anthracite, Bituminous, Subbituminous, Lignite. Giá trị của than được xác định bởi lượng carbon chứa trong đó. Than Anthracite chứa 86 - 98% carbon. Than Bituminous chứa 50 - 86% carbon. Than Subbituminous có hàm lượng carbon khoảng 45%. Than non Lignite chứa 35 - 40% carbon. 

4. Khai thác than. Than được khai thác chủ yếu bằng hai phương pháp: khai thác bề mặt hoặc khai thác dưới lòng đất. Khai thác bề mặt là lựa chọn rẻ hơn, nhưng đòi hỏi cảnh quan, môi trường sống, hệ sinh thái tự nhiên bị phá hủy. Quá trình này thường dẫn đến lở đất, sập hầm mỏ, đồng thời các vật liệu độc hại từ mỏ thấm vào không khí, nguồn nước ở khu vực xung quanh, gây nguy hiểm cho sức khỏe của thợ mỏ và người dân địa phương.

5. Nhiệt điện than. Đốt than để sản xuất điện là một quá trình gồm các bước. Than được nghiền thành bột, sau đó đốt cháy. Nhiệt sinh ra, đun nóng nước tạo thành hơi nước. Hơi nước áp suất rất cao làm quay turbine. Turbine được kết nối với máy phát điện để sản xuất điện.

6. Than cung cấp gần 40% sản lượng điện toàn cầu. Một trong những sự thật quan trọng nhất về than đá là phần lớn điện năng trên thế giới ngày nay được tạo ra từ việc đốt than. Bởi vì than là nguồn tài nguyên rẻ và (tương đối) dồi dào nên các nước đang phát triển và có thu nhập thấp rất khó khăn từ bỏ loại nhiên liệu hóa thạch này để chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

7. Than được coi là nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất. Than tạo ra lượng khí thải carbon cao hơn bất kỳ hình thức sản xuất điện nào. Vì than chứa hàm lượng carbon và hydrocarbon cao nên sẽ thải ra một lượng đáng kể carbon dioxide khi nó bị đốt cháy, góp phần gây ra hiệu ứng nhà kính và sự nóng lên toàn cầu. Đốt than cũng là một trong những nguyên nhân lớn gây ô nhiễm không khí. Sản xuất than thải ra các chất gây ô nhiễm và các hóa chất độc hại như sulfur dioxide (SO2), nitơ oxit (NOx), làm tăng nguy cơ một số vấn đề cho sức khỏe bao gồm các bệnh mạch vành và hô hấp.

8. Than là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất. Có nhiều nguồn phát thải khí nhà kính góp phần gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, khí thải từ sản xuất than vẫn là nguyên nhân tồi tệ nhất. Theo Greenpeace, nguồn phát thải carbon dioxide lớn nhất là đốt than. Một nhà máy điện than 500 MW có thể thải ra lượng khí thải tương đương 600.000 ô tô và có thể hoạt động trong ít nhất 40 năm. 

9. Than là nguồn năng lượng không thể tái tạo. Các nhà khoa học ước tính nếu mức tiêu thụ than vẫn ở mức hiện tại thì nhiên liệu hóa thạch sẽ cạn kiệt ngay sau năm 2060. Than hình thành qua quá trình kéo dài hàng triệu năm. Nói cách khác, con người sẽ phải đợi hàng triệu năm nữa để các mỏ than mới hình thành. Nhưng với tốc độ mà con người đang sử dụng than như hiện nay, các mỏ than sẽ không bổ sung đủ để bù với với tốc độ khai thác.

10. Trung Quốc là nước sản xuất than lớn nhất. Than có thể được tìm thấy ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng chỉ được khai thác ở khoảng 70 quốc gia. Trung Quốc là nước sản xuất than hàng đầu thế giới năm 2022. Tiếp theo là các nước Ấn Độ, Indonesia, Mỹ, Úc, Nga, Nam Phi.

11. Trung Quốc cũng chiếm hơn một nửa lượng than tiêu thụ toàn thế giới. Trong khi nhiều quốc gia, đặc biệt là ở châu Âu và các quốc gia phát triển, đã bắt đầu loại bỏ dần than khỏi nguồn năng lượng của họ và đầu tư nhiều hơn vào năng lượng tái tạo thì than vẫn là nguồn năng lượng quan trọng ở Trung Quốc. Năm 2022, nước này tiêu thụ hơn một nửa lượng than của thế giới. Các quốc gia tiêu thụ than nhiều nhất tiếp theo là Ấn Độ, Mỹ, Đức, Nga, Nhật Bản, Nam Phi.

12. Số lượng nhà máy điện than. Trên thế giới có hơn 2.400 nhà máy nhiệt điện than, tổng công suất trên 2.000 gigawatt. Chúng tạo ra khoảng một phần ba điện năng của thế giới. Trong đó, riêng Trung Quốc ước tính có hơn 1.100 nhà máy điện than đang hoạt động.