1. Đại dương bao phủ hơn 70% bề mặt Trái đất.

Với phần lớn bề mặt Trái đất được đại dương bao phủ, rõ ràng môi trường biển có vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống chúng ta. Khoảng 3 tỉ người dựa vào nghề cá và các loài sinh vật biển khác làm nguồn cung cấp protein chính, bên cạnh đó là hoạt động giao thương bằng đường biển.  

2. Phần lớn sự sống trên Trái đất là ở dưới nước.

Khoảng 94% các loài sinh vật trên Trái đất sống ở vùng biển. Sự sống ở đại dương bao gồm thực vật, động vật, các sinh vật sống khác và chúng ảnh hưởng đáng kể đến hệ sinh thái Trái đất. Do sự rộng lớn của đại dương, rất nhiều loài vẫn chưa được khám phá.

3. Chưa đến 5% đại dương được khám phá.

Con người đã bay vào vũ trụ, khám phá Mặt trăng, Sao Hỏa nhưng lại chưa biết nhiều về đại dương. Mặc dù con người sống trên Trái đất từ rất lâu nhưng vẫn còn rất ít thông tin về đại dương. Con người mới khám phá chưa đến 5% đại dương trên Trái đất.

4. Dãy núi dài nhất thế giới nằm dưới đại dương.

Trên đất liền, dãy Andes ở Nam Mỹ là dãy núi dài nhất thế giới, khoảng 7.250 km. Tuy nhiên, dãy Andes chẳng là gì so với dãy Mid-Ocean Ridge gần như nằm hoàn toàn dưới đại dương. Dãy núi nguyên khối này ngập 90%, trải dài 65.000 km, ở độ sâu nước trung bình 2.500 m. Rặng núi giữa đại dương được phát hiện vào những năm 1950. 

5. Đại dương là bảo tàng lớn nhất thế giới.

Có rất nhiều vụ đắm tàu dưới đáy đại dương từ xưa đến nay. Vào thời cổ đại, các tàu khám phá thế giới và vận chuyển hàng hóa đến nhiều nơi khác nhau. Nhiều tàu chở đồ vật quý giá bị chìm xuống đại dương, khiến đại dương trở thành nơi chứa nhiều hiện vật lịch sử hơn tất cả bảo tàng trên thế giới.

6. Phần lớn oxy trên Trái đất đến từ đại dương.

Bạn biết thực vật sử dụng quá trình quang hợp để chuyển đổi carbon dioxide và nước thành oxy. Tuy nhiên, phần lớn oxy trên Trái đất không phải từ thực vật trên cạn mà từ thực vật dưới đại dương. Sinh vật phù du đại dương là loài sản xuất oxy lớn nhất. Các nhà khoa học ước tính rằng 50 - 70% lượng oxy của Trái đất đến từ đại dương.

7. Lượng muối trong đại dương có thể bao phủ toàn bộ bề mặt Trái đất.

Nếu muối trong đại dương có thể được lọc ra và trải đều trên bề mặt đất liền, nó sẽ tạo thành một lớp dày khoảng 166 mét, tương đương chiều cao của tòa nhà 40 tầng. Đại dương mặn chủ yếu do lượng muối đến từ đá trên đất liền, được nước mưa và dòng sông vận chuyển ra biển. Muối cũng có thể bị đẩy ra đại dương từ các miệng phun thủy nhiệt dưới đáy biển.

8. Vì sao sao đại dương có màu xanh?

Một trong những đặc điểm bất biến của đại dương là làn nước xanh thẳm. Nhưng đại dương có màu xanh không phải do nó phản ánh màu sắc của bầu trời. Màu sắc của đại dương là kết quả của bề mặt nước hấp thụ phần màu đỏ và cam của quang phổ ánh sáng, để lại phần màu xanh lam của quang phổ thâm nhập sâu hơn. Bởi vì các bước sóng màu xanh lam có thể xuyên sâu hơn nhiều so với một số bước sóng khác, đại dương càng có vẻ “xanh hơn” khi bạn càng xuống sâu.

9. Đại dương ảnh hưởng và điều hòa khí hậu Trái đất.

Bằng cách di chuyển nước khắp địa cầu, đại dương giúp cho các khu vực trên Trái đất không bị quá nóng hoặc quá lạnh. Các dòng hải lưu liên tục di chuyển nhiệt, độ ẩm và chất dinh dưỡng đến nơi cần đến trên toàn cầu. Nếu các mô hình này bị gián đoạn, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sự sống trên Trái đất. Ví dụ, các hiện tượng El Niño, La Nina, biến đổi khí hậu…

10. Có thể tìm thấy sông hồ dưới đại dương.

Việc sông hồ tồn tại trong đại dương nghe có vẻ phi lý. Thực tế, khi nước muối và hydro sunfua kết hợp, nó trở nên đậm đặc hơn phần nước còn lại xung quanh, tạo thành hồ hoặc sông chảy dưới biển.

11. Rãnh Marianas, điểm sâu nhất trong đại dương.

Rãnh Mariana được coi là phần sâu nhất của các đại dương. Bên trong rãnh là một thung lũng được gọi là Challenger Deep sâu hơn 10.700 mét. Để so sánh độ sâu của nó, đỉnh Everest chỉ cao 8.848 mét. Yếu tố lớn nhất khó thể tiếp cận được rãnh Mariana là do áp suất nước cực cao của nó.

12. Thái Bình Dương là đại dương lớn nhất thế giới.

Thái Bình Dương không chỉ là đại dương lớn nhất mà còn có nhiều hòn đảo hơn bất kỳ nơi nào khác trên hành tinh. Thái Bình Dương có khoảng 25.000 hòn đảo. Nhà thám hiểm nổi tiếng, Ferdinand Magellan là người khám phá ra đại dương lớn nhất hành tinh và đặt tên là Thái Bình Dương.

13. Mực nước biển và lượng nước trong đại dương thay đổi theo thời gian.

Khi khí hậu lạnh hơn, các chỏm băng phát triển, sông băng hình thành và nước chuyển thành băng. Khi nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên, nhiệt được hấp thụ vào đại dương và nước giãn nở. Điều này làm tăng thêm lượng nước trong đại dương và làm tăng mực nước biển toàn cầu. Khi mực nước biển dâng cao, các mối nguy hiểm ven biển như xói mòn, lũ lụt cũng sẽ tăng lên. Nếu toàn bộ băng trên đại dương tan chảy cùng một lúc, con người sẽ gặp rắc rối nghiêm trọng

14. Ô nhiễm nhựa là một vấn đề lớn của đại dương.

Có thể bạn xem thường việc cấm túi nhựa, chai nhựa hoặc ống hút nhựa, nhưng hãy suy nghĩ điều này: bảy triệu tấn nhựa trôi vào đại dương mỗi năm! Điều đáng buồn, sinh vật đại dương tiêu thụ rất nhiều thứ này. Vấn đề này ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái trên đại dương, cũng có nghĩa ảnh hưởng đến môi trường sống của chính chúng ta.