Bạn hãy khám phá 20 sự thật thú vị sau đây về Mặt trời!
1. Diện tích bề mặt Mặt trời khoảng 6.078.747.000.000 km2, lớn gấp 11.920 lần so với diện tích bề mặt Trái đất (510.100.000 km2).
2. Mặt trời có đường kính khoảng 1.392.700 km, gấp 109 lần đường kính Trái đất (12.742 km).
3. Mặt trời có khối lượng lớn hơn nhiều so Trái đất. Cần hơn 330.000 Trái đất mới bằng khối lượng của Mặt trời và cần 1,3 triệu Trái đất mới lấp đầy thể tích của Mặt trời.
4. Mặt trời được cấu tạo chủ yếu từ hydro và heli. Trong đó, 74% thành phần của Mặt trời là hydro, 24% heli, 2% còn lại là một lượng nhỏ bao gồm: oxy, carbon, neon, niken, magie, sắt, silic.
5. Mặt trời nằm cách Trái đất khoảng 150 triệu km. Với khoảng cách rất xa này, ánh sáng từ Mặt trời cần khoảng 8 phút 20 giây mới có thể đến được Trái đất.
6. Khoảng cách trung bình từ Mặt trời đến Trái đất khoảng 150 triệu km, nhưng trên thực tế, khoảng cách này thay đổi đáng kể. Lý do, Trái đất quay quanh Mặt trời theo hình elip nên khoảng cách dao động, gần nhất là 147 triệu km, xa nhất là 152 triệu km.
7. Nếu khởi hành từ Trái đất bằng một máy bay bình thường có vận tốc 665 km/h, chúng ta phải mất đến 25 năm bay liên tục mới tới được Mặt trời. Tất nhiên đây chỉ là ví dụ giả tưởng!
8. Mặc dù ánh sáng từ Mặt trời cần khoảng 8 phút 20 giây để chạm được đến Trái đất, nhưng phải mất đến hàng triệu năm để hơi nóng và ánh sáng xuất phát từ lõi Mặt trời ra đến được bề mặt của nó.
9. Mặt trời tỏa ánh sáng rất mạnh, với độ sáng biểu kiến là -26,74. Độ sáng biểu kiến này lớn gấp 13 tỉ lần so với ngôi sao Sirius, ngôi sao sáng nhất bầu trời đêm, với độ sáng biểu kiến là -1,46. Độ sáng biểu kiến của một thiên thể là thước đo độ sáng của nó khi quan sát từ Trái đất. Thiên thể càng sáng thì giá trị độ sáng của nó càng nhỏ.
10. Lõi là phần nóng nhất của Mặt trời. Phản ứng hạt nhân ở đây, hydro bị đốt cháy để tạo thành helium, là nơi cung cấp năng lượng cho nhiệt và ánh sáng của Mặt trời. Khi phản ứng hạt nhân xảy ra, nhiệt độ có thể lên tới 15 triệu độ C.
11. Nhiệt độ bề mặt của Mặt trời vào khoảng 5.500 độ C, sức nóng đủ để carbon như kim cương, than chì sôi lên. Nhưng nhiệt độ bề mặt Mặt trời vẫn mát hơn nhiều so với phần lõi.
12. Các phản ứng hạt nhân trong lõi của Mặt trời gây ra sức nóng kinh khủng và làm lõi nở ra. Nếu không có lực hút khổng lồ bên trong thì Mặt trời phát nổ như một quả bom. Theo ước tính, năng lượng sinh ra từ Mặt trời tương đương với năng lượng khi cho nổ 100 tỉ tấn thuốc nổ.
13. Mặt trời không có bề mặt rắn như Trái đất, Mặt trăng và các hành tinh khác. Phần được gọi là bề mặt của Mặt trời là quang quyển. Từ quang quyển có nghĩa là “quả cầu ánh sáng”, đây là lớp phát ra ánh sáng dễ thấy nhất mà chúng ta nhìn thấy từ Trái đất.
14. Lượng năng lượng mà Trái đất nhận được từ Mặt trời phụ thuộc vào vị trí và thời gian trong năm. Trái đất nhận được khoảng 430 triệu joules năng lượng mỗi giờ từ Mặt trời, gần bằng lượng năng lượng mà Trái đất sử dụng trong một năm. Chúng ta nhận được ít năng lượng từ Mặt trời vào mùa đông hơn so với vào mùa hè, do trục nghiêng của Trái đất (23,5°) khiến năng lượng ánh sáng phải truyền đi xa hơn trong bầu khí quyển.
15. Tấm pin mặt trời khai thác năng lượng từ Mặt trời để tạo thành điện năng. Cụ thể hơn, pin mặt trời sử dụng năng lượng của các photon trong ánh sáng mặt trời để tạo ra dòng điện trong tấm pin mặt trời. Photon là đơn vị cơ bản của ánh sáng.
16. Mặt trời có từ trường rất mạnh, đó là lý do tại sao xảy ra hiện tượng bão từ. Trong cơn bão từ, các đường sức từ sẽ xoắn và quay mạnh tương tự như lốc xoáy trên Trái đất.
17. Đôi khi Mặt trời phát ra dòng hạt liên tục gọi là gió mặt trời. Đó là những luồng hạt tích điện như proton và electron, vượt ra khỏi sức hút khổng lồ của Mặt trời, được “thổi” ra với tốc độ khoảng 450 km/s. Gió mặt trời có thể gây ra bão từ trên Trái đất, hiện tượng nhiễu sóng trên Trái đất, làm rối loạn quỹ đạo của tàu vũ trụ.
18. Cho đến nay, Mặt trời ước tính đã 4,6 tỉ năm tuổi, nghĩa là đã “sống” được nửa cuộc đời. Mặt trời đang trải qua 5 tỉ năm cuối cùng trước khi cạn kiệt hydro và heli, sau đó trở thành một ngôi sao đỏ khổng lồ. Sau khoảng 1 tỉ năm làm một ngôi sao đỏ, Mặt trời sẽ co lại thành một ngôi sao lùn trắng.
19. Mặt trời không chứa đựng sự sống vì nhiệt độ và bức xạ cực cao. Nhưng Mặt trời có kích thước, độ sáng, nhiệt độ, độ tuổi và khoảng cách hoàn toàn phù hợp để duy trì sự sống trên Trái đất. Nếu một trong các chỉ số này bị sai lệch, dù là sai lệch rất nhỏ thì sự sống trên Trái đất đã không tồn tại.
20. Con người nghiên cứu Mặt trời từ rất sớm, bằng kính thiên văn đặt trên bề mặt Trái đất và camera trên các vệ tinh quay quanh Trái đất. Năm 2020, Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) và Cơ quan hàng không vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) đã phóng tàu quỹ đạo Mặt trời (Solar Orbiter), để quan sát các hiện tượng, hình ảnh chưa từng có về Mặt trời. Sau khi phóng, Solar Orbiter sẽ mất khoảng 3,5 năm để đi tới quỹ đạo hoạt động của nó. Trong thời gian dự kiến 7 năm, tàu sẽ nghiên cứu gió mặt trời, từ trường và plasma. Tháng 6/2020, Solar Orbiter đã đến cách Mặt trời 77 triệu km, chụp được những bức ảnh gần nhất về Mặt trời. Tháng 3/2024, Solar Orbiter ở vị trí gần Mặt trời nhất, cách 45 triệu km.