Năm 2020, cháy rừng hoành hành ở Australia và California (Mỹ); các trận cuồng phong, siêu bão ở khu vực Đại Tây Dương; đặc biệt là đại dịch Covid-19 tấn công khắp thế giới. Tuy nhiên, ngay cả trong một năm khó khăn, những xu hướng tốt đẹp vẫn diễn ra. 3 xu hướng trong năm 2020 cho chúng ta hy vọng vào năm 2021 và hơn thế nữa.
Xe điện lăn bánh nhiều hơn
Trong thập kỷ qua, ô tô chạy bằng điện đã trở nên phổ biến hơn, nhờ những cải tiến về công nghệ, giá cả giảm và trợ cấp của Chính phủ một số nước. Nếu như năm 2010, chỉ có 17.000 ô tô điện bon bon các con đường trên thế giới thì năm 2019, ước tính có khoảng 7,2 triệu ô tô điện, một nửa trong số đó ở Trung Quốc.
Các cam kết của Chính phủ một số nước cho thấy, xe điện sẽ lăn bánh nhiều hơn. Vương quốc Anh tuyên bố sẽ cấm bán ô tô mới chạy bằng xăng hoặc động cơ diesel vào năm 2030. Mỹ cho biết cũng sẽ làm như vậy vào năm 2035. Na Uy vẫn có mục tiêu tham vọng nhất thế giới, năm 2025 - nhưng bởi vì đây là một thị trường nhỏ hơn nhiều.
Nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, Volkswagen thuộc sở hữu của Đức, có lẽ đưa ra cam kết tài chính lớn nhất trong năm 2020, cho biết họ sẽ chi 86 tỉ USD để sản xuất ô tô xanh hơn trong vòng 5 năm tới. General Motors cũng sẽ chi hàng tỉ USD để sản xuất xe điện. Amazon cam kết tung ra 100.000 phương tiện bằng điện chuyên giao hàng vào năm 2030…
Năng lượng tái tạo tăng nhanh
Trên toàn cầu, năng lượng tái tạo đang tăng tốc. Điện từ các nguồn năng lượng tái tạo đang tham gia nhiều hơn lưới điện tại nhiều quốc gia theo những cách mà ít người có thể nghĩ ra được chỉ vài năm trước đây.
Điện gió và điện mặt trời chỉ mới bắt đầu phát triển cách đây 10 năm. Ngày nay, chúng trở thành quen thuộc hơn trong bối cảnh năng lượng của các nước.
Việt Nam không đứng ngoài cuộc xu hướng này, thậm chí Việt Nam còn đứng đầu Đông Nam Á về phát triển năng lượng tái tạo. Đến cuối năm 2020 có khoảng 7.400 MW điện mặt trời và 600 MW điện gió phát lên hệ thống điện quốc gia.
Để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu, các chuyên gia cho rằng năng lượng tái tạo cần phải phát triển với tốc độ nhanh hơn nữa. Với việc giá năng lượng tái tạo giảm và các công nghệ tiết kiệm năng lượng mới ra đời hàng ngày, xu hướng này chắc chắn sẽ diễn ra nhanh.
Nhu cầu than giảm
Năm 2020, nhu cầu than toàn cầu giảm 5% so với năm 2019, theo IEA. Còn tính từ năm 2018 đến năm 2020, tiêu thụ than toàn cầu ước tính giảm hơn 500 triệu tấn. Sự sụt giảm quy mô trong khoảng thời gian này là chưa từng có trong hồ sơ của IEA, kể từ năm 1971. Dựa trên giả định kinh tế toàn cầu phục hồi vào năm 2021, các chuyên gia quốc tế kỳ vọng nhu cầu điện và sản lượng công nghiệp đều tăng. Dự báo nhu cầu than toàn cầu sẽ tăng trở lại là 2,6%, dẫn đầu là Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á.
Nhưng đến năm 2025, nhu cầu than toàn cầu được dự báo sẽ giảm khoảng 7,4 tỷ tấn. Ở châu Âu và Bắc Mỹ, than tiếp tục giảm sau khi tăng tạm thời vào năm 2021. Trung Quốc và Ấn Độ - hai quốc gia lớn phụ thuộc vào than đá nhất - đang thực hiện các bước để đảm bảo cung cấp đủ than cho nền kinh tế của họ và kiềm chế nhập khẩu. Đến năm 2025, ASEAN sẽ trở thành khu vực tiêu thụ than lớn thứ ba, vượt qua Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu.
Nhu cầu than của Đông Nam Á sẽ mở rộng sau thời gian đại dịch Covid-19 vào năm 2020. Tiêu thụ than ở Đông Nam Á đã tăng hơn gấp đôi trong thập kỷ qua, với mức tăng trưởng lớn nhất ở Indonesia và Việt Nam, tiếp theo là Malaysia và Philippines. Năm 2019, nhu cầu than ở Đông Nam Á là 332 triệu tấn, trong đó Indonesia chiếm 42% và Việt Nam 27%. Một phần lớn nhu cầu về than ở Đông Nam Á bắt nguồn từ ngành điện.
Đông Nam Á ngày nay được coi là pháo đài cuối cùng có khả năng tăng trưởng mạnh về nhu cầu than trên toàn cầu. Nhưng cần lưu ý rằng, kỳ vọng về sự tăng trưởng bền vững nhiều thập kỷ trong ngành nhiệt điện than ở Đông Nam Á vẫn chưa chắc chắn, bởi khu vực này không thể đi ngược dòng với sự phát triển chung của thế giới về sử dụng năng lượng sạch, xanh.
Mặc dù đại dịch Covid-19 tấn công toàn cầu khiến hàng triệu người bệnh tật và phá hủy sinh kế của nhiều người. Nhưng tác nhân do con người gây ra cho hành tinh bớt hung hãn hơn. “Thiên nhiên đang chữa lành!". Một cảm giác nhẹ nhõm của những người yêu thiên nhiên bởi các xu hướng phát triển xanh và sạch đang diễn ra.