1. Đập Tam Hiệp nằm ở đâu?
Đập Tam Hiệp là phần chính của nhà máy thủy điện Tam Hiệp. Đập Tam Hiệp được xây dựng bắc ngang sông Dương Tử (còn gọi là sông Trường Giang), nằm ở thị trấn Sandouping, thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
2. Đập lớn nhất thế giới.
Đập Tam Hiệp là đập thủy điện lớn nhất trên thế giới, với chiều dài 2.335 mét, cao trình đỉnh 185 mét (so với mực nước biển), chiều cao tối đa 175 mét, chiều rộng ở đỉnh đập 40 mét, chiều rộng chân đập 115 mét. Đập Tam Hiệp là đập bê tông trọng lực. Công trình đã sử dụng 27,2 triệu m3 bê tông (chủ yếu cho thành đập), 463.000 tấn thép (đủ xây 63 tháp Eiffel ở Paris, Pháp), đào 102,6 triệu m3 đất.
3. Sản xuất thủy điện lớn nhất thế giới.
Tam Hiệp là nhà máy thủy điện lớn nhất trên thế giới, có 32 tổ máy phát điện được lắp đặt, với tổng công suất 22.500 MW. Sản lượng điện hằng năm của nhà máy ước đạt 85 tỉ kWh nhưng nhà máy này từng lập kỷ lục thế giới về sản lượng điện hằng năm từ một nhà máy thủy điện là 111,8 tỉ kWh vào năm 2020. Điện năng tạo ra được truyền tải đến Hà Nam, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, Trùng Khánh, An Huy, Giang Tô, Chiết Giang, Thượng Hải, Quảng Đông…
4. Dự án được chuẩn bị 50 năm!
Năm 1944, nghiên cứu tiền khả thi dự án đập Tam Hiệp được giao cho một kỹ sư thành viên của Phòng Nông nghiệp Hoa Kỳ, tuy nhiên dự án bị bỏ dở vào năm 1947. Nguyên nhân chủ yếu do vấn đề tài chính. Các trận lũ lụt lớn sau đó đã làm sống lại ý tưởng này và dự án tiếp tục nghiên cứu để kiểm soát lụt lội. Từ năm 1955, công tác khảo sát, nghiên cứu và quy hoạch dự án Tam Hiệp được thực hiện liên tục. Năm 1970, đập Gezhouba được phê duyệt xây dựng (đập Gezhouba nằm ở hạ lưu đập Tam Hiệp, cách đó khoảng 38 km, hoàn thành năm 1988), từ đó đúc kết kinh nghiệm xây đập Tam Hiệp. Năm 1992, dự án xây dựng đập Tam Hiệp được phê duyệt. Năm 1994, dự án chính thức khởi công xây dựng và đến năm 2009 hoàn thành.
5. Đập có thể kiểm soát lũ lớn đến mức nào?
Chức năng quan trọng đầu tiên của đập Tam Hiệp là kiểm soát lũ lụt. Hồ chứa Tam Hiệp kéo dài 600 km dọc thượng nguồn sông Dương Tử tính từ đập. Hồ chứa nước có dung tích phòng lũ là 22,15 tỉ m3, tổng dung tích hồ chứa là 39,3 tỉ m3, có thể giảm 27.000 - 33.000 m3 lũ mỗi giây. Sức chứa này sẽ làm giảm tần suất các trận lũ lụt lớn từ 10 năm một lần xuống còn 100 năm một lần. Tuy nhiên, việc gia tăng lượng bùn, trầm tích vào hồ hằng năm cũng ảnh hưởng dần đến việc ngăn chặn lũ lụt.
6. Hơn 1,2 triệu người phải di dời để xây dựng đập
Hồ chứa Tam Hiệp làm ngập một khu vực rộng lớn có diện tích 79.000 km2 ở Trùng Khánh và Hồ Bắc, ảnh hưởng đến hơn 1,2 triệu dân. Khi xây dựng đập Tam Hiệp, cuộc di dời, tái định cư của người dân đến nơi ở mới đã bắt đầu từ trước năm 1997, kéo dài đến năm 2009. Một số người được tái định cư ở các thị trấn lân cận thành phố, trong khi nhiều người phải di chuyển đến các vùng khác của Trung Quốc, bao gồm các tỉnh Tứ Xuyên, Giang Tô, Chiết Giang, Sơn Đông, Quảng Đông, Thượng Hải, Phúc Kiến, An Huy, Giang Tây và Hồ Nam.