1. Hầu hết sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu kể từ năm 1950 là do hoạt động của con người gây ra.
Mặc dù có một số nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu là tự nhiên, như núi lửa phun trào, nhưng lý do khiến chúng ta phải đối mặt với biến đổi khí hậu là do hoạt động của con người. Những nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu thông qua hoạt động của con người bao gồm: Đốt nhiên liệu hóa thạch để lấy năng lượng; Sản xuất nông nghiệp để lấy thịt và cây trồng; Chặt phá rừng và cây cối để nhường chỗ cho các mục đích sử dụng đất khác. Những hoạt động này đều thải ra khí nhà kính, giữ nhiệt trong khí quyển, khiến nhiệt độ toàn cầu tăng lên.
2. Nhiệt độ trung bình của Trái đất được quyết định bởi hiệu ứng nhà kính.
Khí nhà kính là loại khí giữ nhiệt trong khí quyển. Khi ánh nắng Mặt trời đi qua bầu khí quyển, các khí nhà kính sẽ hấp thụ bức xạ, ngăn nhiệt thoát ra khỏi khí quyển. Điều này được gọi là hiệu ứng khí nhà kính. Nếu không có khí nhà kính, nhiệt độ trung bình trên Trái đất sẽ quá lạnh để duy trì sự sống. Tuy nhiên, con người thải thêm nhiều khí nhà kính, sẽ khiến nhiều năng lượng Mặt trời bị giữ lại trong khí quyển, làm Trái đất nóng lên, gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Các khí nhà kính chủ yếu gồm carbon dioxide (CO2), và metan (CH4).
3. Nhiệt độ toàn cầu tăng khoảng 1 độ C trong thế kỷ qua.
Trong 100 năm qua, nhiệt độ trung bình trên Trái đất đã ấm lên 1 độ C. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta khó nhận thấy sự khác biệt nếu nhiệt độ tăng lên 1 độ C, nhưng sự gia tăng nhiệt độ này đã có tác động đáng kể đến Trái đất. Hiện tại, các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực hướng tới các mục tiêu đặt ra trong Thỏa thuận Paris nhằm giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2 độ C và hạn chế ở mức 1,5 độ C nếu có thể.
4. Băng và sông băng ở Bắc cực đang tan chảy.
Một trong những tác động lớn nhất của hiện tượng nóng lên toàn cầu là sông băng và băng ở Bắc cực đang tan chảy. Năm 1910, Công viên quốc gia Glacier ở Montana, Hoa Kỳ có khoảng 150 sông băng. Khi các sông băng được thống kê lại vào năm 2017, con số này giảm xuống còn 26. Lượng băng tan này sẽ làm mực nước biển dâng cao, ảnh hưởng đến người dân ở những khu vực phụ thuộc vào nguồn nước từ sông băng tan chảy.
5. Mực nước biển trung bình dự kiến tăng từ 0,5 đến 1,5 mét trước cuối thế kỷ.
Khi các đại dương tiếp tục ấm lên và mở rộng, băng trên đất liền ở Greenland, một phần Nam cực và các sông băng trên núi tiếp tục tan chảy, mực nước biển sẽ dâng cao. Điều này tác động đến nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các khu vực trũng thấp có nguy cơ lũ lụt trên diện rộng.
6. Phá rừng là nguyên nhân chính giải phóng carbon dioxide.
Cây cối và rừng được xem là “bể chứa carbon” vì chúng lưu trữ carbon dioxide khi cây lớn lên. Khi con người chặt phá rừng hoặc cây cối bị phá hủy bởi cháy rừng, một lượng lớn carbon dioxide sẽ được thải vào khí quyển. Điều này góp phần tạo ra hiệu ứng nhà kính, làm tăng nồng độ carbon dioxide trong khí quyển, gia tăng hơn nữa vào sự nóng lên toàn cầu.
7. Rạn san hô đang bị phá hủy.
Trong 30 năm qua, một nửa số rạn san hô trên thế giới đã chết. Hoạt động của con người cũng như nhiệt độ tăng lên góp phần đáng kể vào việc tẩy trắng san hô. Khi nước trở nên quá ấm, tảo sống trong các mô của san hô sẽ rời đi. Tảo cung cấp phần lớn năng lượng cho san hô nên san hô cần tảo để tồn tại. Khi tảo rời đi, san hô bị tẩy trắng, chuyển sang màu trắng hoặc nhợt nhạt, khiến san hô dễ bị bệnh. Điều này tác động đến cá và các loài khác coi san hô là nhà của chúng.
8. Một số loài có nhiều khả năng bị tuyệt chủng hơn.
Biến đổi khí hậu làm tăng những rủi ro hiện có và tạo ra những rủi ro mới cho cả hệ thống tự nhiên và con người. Các khu vực ven biển dễ bị tổn thương trước mực nước biển dâng và một số đảo có thể biến mất hoàn toàn. Một phần lớn các loài phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do biến đổi khí hậu. Ví dụ, các loài thực vật không thể thích nghi nơi chúng sống một cách tự nhiên để theo kịp tốc độ biến đổi khí hậu. Hầu hết loài động vật có vú nhỏ và động vật thân mềm nước ngọt cũng sẽ không thể theo kịp những thay đổi này.