Theo điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII điều chỉnh, theo Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ), đến năm 2020, tổng công suất các nhà máy nhiệt điện than khoảng 26.000 MW (chiếm 42,7% công suất nguồn toàn hệ thống).

Trong khi đó, tại Diễn đàn "An ninh năng lượng cho phát triển bền vững" ngày 22/12/2020 tại Hà Nội, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho hay, về cơ cấu nguồn điện, so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh thì năm 2020 nhiệt điện than đã giảm gần 6.000 MW (chiếm khoảng 33,2% tổng công suất lắp đặt nguồn điện).

Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3

Không dừng lại ở đó, dự kiến, so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh, trong cơ cấu nguồn điện mới, công suất nhiệt điện than sẽ giảm 8.760 MW vào năm 2025; giảm 6.340 MW vào năm 2030, chủ yếu do các dự án chậm tiến độ và một số địa phương không đồng thuận phát triển nhiệt điện than.

Khả năng đến năm 2025, nguồn nhiệt điện than chiếm khoảng 37,1% tổng công suất lắp đặt nguồn điện, giảm 12% so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Sang năm 2030, nguồn nhiệt điện than chiếm khoảng 33,6% tổng công suất lắp đặt nguồn điện, giảm 9% so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh. 

Thực tế, trong 5 năm qua (2016-2020), khá nhiều dự án nhiệt điện than theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã phải hủy bỏ vì nhiều lý do: các địa phương không đồng ý xây dựng nhà máy nhiệt điện than ở địa phương mình vì lo sợ ô nhiễm môi trường; không tìm được nhà đầu tư; dự án chuyển đổi sang loại hình sử dụng nguồn nhiên liệu khí; dự án không sắp xếp được nguồn tài chính…

Về tài chính, các ngân hàng đa phương hay tổ chức tín dụng ở nước ngoài ngày càng siết chặt với việc tài trợ vốn cho nhiệt điện than. Chính phủ Nhật Bản cho hay, sẽ không tiếp nhận yêu cầu hỗ trợ vốn ODA, trong đó có các khoản vay bằng đồng yen, cho các dự án nhiệt điện than từ các quốc gia khác. Động thái này nhằm đóng góp cho nỗ lực giảm phát thải khí carbon (CO2) của cộng đồng quốc tế thông qua việc chuyển vốn ODA dành cho các dự án nhiệt điện chạy than sang hỗ trợ cho các dự án phát triển năng lượng tái sinh thân thiện với môi trường.

Về nguồn nhiên liệu than, từ các năm qua, Việt Nam đã tăng cường nhập khẩu than để đáp ứng nhu cầu trong nước. Nhập than ở nước ngoài phải phụ thuộc nhiều yếu tố. Bên cạnh yếu tố giá cả, lưu ý là vòng đời nhà máy nhiệt điện than khoảng 30-40 năm. Ký hợp đồng mua than, hiếm có thời hạn hợp đồng 30-40 năm! Hợp đồng thường theo từng giai đoạn nhất định. Những rủi ro về nguồn cung cấp than trong suốt vòng đời của nhà máy điện là không thể không tính đến.

Giá than rẻ là chỉ nói về giá theo hợp đồng. Chưa tính chi phí vận chuyển, xây dựng kho hàng, bến cảng, xử lý ô nhiễm, và cả thuế nếu không được Chính phủ hỗ trợ…

Theo phân tích của các chuyên gia, triển vọng về trung hạn đối với nhiệt điện than ở Đông Nam Á vẫn còn tích cực, nhất là ở Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Philippines. Khu vực này có khả năng sẽ tiếp tục tăng nhu cầu năng lượng do sự tăng trưởng kinh tế khu vực còn mạnh mẽ.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư và doanh nghiệp nên lưu ý nhìn xa hơn trước những rủi ro của quá trình chuyển đổi năng lượng trên toàn cầu.

Ngày càng có nhiều khó khăn về công nghệ, tài chính, ô nhiễm môi trường ở các địa phương… cho thấy quy hoạch nhiệt điện than ở Việt Nam ngày càng ít chắc chắn hơn. Xu hướng năng lượng tái tạo và chống biến đổi khí hậu đang trở thành một áp lực lớn hơn bao giờ hết đối với nhiệt điện than.

Trong quá trình xây dựng Đề án Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đã xác định:

- Chỉ phê duyệt các nhà máy nhiệt điện có công nghệ siêu tới hạn và trên siêu tới hạn là những công nghệ nhiệt điện mới nhất hiện nay, đảm bảo hiệu suất cao và đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường.

- Tập trung rà soát, loại bỏ các nhà máy nhiệt điện cũ, hiệu suất thấp, không đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường; có kế hoạch triển khai nâng cấp công nghệ của các nhà máy nhiệt điện hiện có để đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường ngày càng cao.

- Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo với tỉ lệ, cơ cấu phù hợp với tiêu chí đảm bảo đủ năng lượng với độ an toàn tin cậy cao và có dự phòng thích hợp, đặc biệt đảm bảo các yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường.

Vai trò của nhiệt điện than ở Việt Nam vẫn còn quan trọng. Việc dừng hẳn các nhà máy nhiệt điện than theo lộ trình, kế hoạch sẽ là quyết định khó khăn, nhưng cần phải xem xét giảm dần để đảm bảo sự phát triển bền vững của môi trường.