Mục tiêu này hướng tới điện hạt nhân như một phần của chiến lược dài hạn chuyển đổi năng lượng, đưa điện hạt nhân thành một thành phần quan trọng trong cơ cấu năng lượng của nước này và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Để đạt được mục tiêu này, các giải pháp về chính sách và đầu tư vào cơ sở hạ tầng đang được thực hiện, nhằm tăng cường năng lực hạt nhân trong nước, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân và đẩy nhanh triển khai các công nghệ hạt nhân tiên tiến, gồm cả lò phản ứng modular nhỏ (SMR).

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ này, các chính sách về năng lượng hạt nhân sẽ được sửa đổi, ban hành nhằm tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư và đổi mới trong lĩnh vực hạt nhân. Tính đến ngày 30/1/2025, công suất hạt nhân của Ấn Độ là 8.180 MW.

Trung tâm nghiên cứu nguyên tử Bhabha (BARC) đang nghiên cứu các SMR để tận dụng lại các nhà máy điện than cũ và cung cấp điện ở các vùng xa xôi. Bộ Năng lượng nguyên tử (DAE) cũng có kế hoạch giới thiệu các công nghệ hạt nhân mới như lò phản ứng làm mát bằng khí nhiệt độ cao để đồng phát điện hydro, lò phản ứng muối nóng chảy có thể sử dụng trữ lượng thorium khổng lồ của Ấn Độ.

Một cột mốc quan trọng đạt được ngày 19/9/2024, khi đơn vị 7 (RAPP-7) của dự án điện hạt nhân Rajasthan đạt đến trạng thái tới hạn, đánh dấu sự khởi đầu của phản ứng dây chuyền phân hạch có kiểm soát.

Lò phản ứng sinh sản nhanh nguyên mẫu của Ấn Độ (PFBR) 500 MWe cũng đã đạt được một số cột mốc, bao gồm nạp natri, tinh chế và nạp lõi lò phản ứng.

Đáng lưu ý, cam kết tài trợ liên bang được đưa ra để phát triển ít nhất năm SMR do chính Ấn Độ thiết kế, với kế hoạch đi vào hoạt động năm 2033.

Các thành tựu này làm nổi bật chuyên môn ngày càng tăng của Ấn Độ trong việc xây dựng và vận hành các lò phản ứng hạt nhân nội địa.

Hiện nay, Ấn Độ đặt mục tiêu tăng công suất điện hạt nhân từ 8.180 MW lên 22.480 MW năm 2031 - 2032. Việc tăng công suất này bao gồm xây dựng và vận hành 10 lò phản ứng ở các bang Gujarat, Rajasthan, Tamil Nadu, Haryana, Karnataka, Madhya Pradesh, và các lò phản ứng lên kế hoạch triển khai trong tương lai. Chính phủ cũng phê duyệt việc thành lập nhà máy điện hạt nhân 6 x 1.208 MW hợp tác với Hoa Kỳ tại Kovvada, bang Andhra Pradesh.

Bằng cách thúc đẩy phát triển điện hạt nhân, chính phủ Ấn Độ đặt điện hạt nhân như một nguồn năng lượng bền vững và an toàn, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược năng lượng dài hạn của đất nước và mục tiêu tăng cường an ninh năng lượng, đáp ứng phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.