Bình đất sét và những thứ tương tự như vậy là một phần tài sản của Bảo tàng Quốc gia Iraq và được cho là của Đế chế Parthia - một nền văn hóa châu Á cổ đại cai trị phần lớn Trung Đông từ năm 247 trước Công nguyên đến năm 224 sau Công nguyên.

Chiếc bình này có niên đại vào khoảng năm 200 trước Công nguyên. Chiếc bình được tìm thấy ở ngôi làng cổ Khujut Rabu, ngay bên ngoài Baghdad, vào một ngày tháng 6/1936 khi một nhóm công nhân đường sắt khai quật một ngôi mộ cổ. Các nhà khảo cổ từ Bảo tàng Quốc gia Iraq đã mang chiếc quan tài về bảo tàng để nghiên cứu. Trong đó có chiếc bình đất.

Chiếc bình được nhà khảo cổ học người Đức Wilhelm Konig tiến hành nghiên cứu, thẩm định và mô tả lần đầu tiên vào năm 1938. Đó là chiếc bình đất, cao khoảng 14 cm (5,5 inch), chứa đầy nhựa đường. Miệng bình được bịt kín bằng một nút nhựa đường, giữ cố định một ống hình trụ bằng đồng, ống này cũng được cố định ở dưới cùng với một đĩa đồng bằng nhiều nhựa đường hơn. Trong ống đồng có một thanh sắt được mắc qua nút nhựa đường phía trên và treo xuống giữa ống đồng.

Vậy làm thế nào mà một cái bình đất sét 2.200 năm tuổi lại có thể được gọi là một cục pin?

Sau một thí nghiệm hóa học, Wilhelm König đã công bố bất ngờ: Ống đồng, thanh sắt và chiếc bình khai quật được này là một loại pin hóa học cổ đại. Chỉ cần đổ một ít nước có tính axit hoặc kiềm vào bình đất là có thể tạo ra điện!

Sau khi công bố được đưa ra, cộng đồng khảo cổ học xuất hiện không ít tranh luận. Phần lớn cho rằng người Ba Tư phát minh ra pin từ năm 246 đến năm 226 trước Công nguyên là điều không thể. Vào năm 1800, nhà vật lý nổi tiếng thế giới Volta mới tìm ra loại pin hiện đại đầu tiên trên thế giới. Khoảng cách giữa hai loại pin này là hơn 2.000 năm!

Không có tài liệu nào nói về chức năng chính xác của chiếc bình “vượt thời gian này”, nhưng người ta phỏng đoán tốt nhất là đó là một loại pin. Các nhà khoa học tin rằng bình pin (nếu đó là chức năng chính xác của chúng) được sử dụng để mạ điện các vật dụng, bằng cách phủ một lớp kim loại (vàng) lên bề mặt của kim loại khác (bạc), một phương pháp vẫn được thực hiện ở Iraq ngày nay.

Đổ đầy chất lỏng có tính axit vào bình, chẳng hạn như giấm hoặc nước ép nho lên men, đóng vai trò là dung dịch điện phân, bình có khả năng tạo ra dòng điện nhỏ, điện áp khoảng 1,5 đến 2 volt. Chất lỏng có tính axit cho phép dòng electron từ ống đồng sang thanh sắt khi hai đầu kim loại được nối với nhau. Về cơ bản, đây chính là nguyên lý được Galvani phát hiện ra sau 2.000 năm và Volta đã khai thác thành công loại pin hiện đại đầu tiên vài năm sau đó.

Vậy pin đã được sử dụng trong 2.000 năm trước sẽ như thế nào? Ai cũng biết rằng người Hy Lạp và La Mã đã sử dụng một số loài cá điện để điều trị cơn đau. Có lẽ pin Baghdad đã được sử dụng như một nguồn điện sạch hơn. Một giả thuyết khác cho rằng, đây là một dạng pin cổ để sử dụng gây mê.

Các giả thuyết khác cho rằng, một số pin có thể đã được liên kết với nhau để tạo ra điện áp cao hơn, sử dụng trong mạ điện vàng lên bề mặt bạc. Nhiều thí nghiệm khác với một số loại pin Baghdad đã cho thấy điều này là khả thi.

Nhiều người hoài nghi thường tìm cách giải thích sự xuất hiện của các đồ vật thời cổ đại là do hiện tượng tự nhiên. Tuy vậy, loại pin này (các nhà khoa học gọi nó là pin Baghdad) rõ ràng là đồ vật do con người tạo ra và có khả năng sản sinh ra điện. Tất nhiên, mục đích sử dụng thật sự của chúng ở 2.200 năm trước vẫn còn là điều bí ẩn đối với nhân loại ngày nay.

Phỏng đoán vẫn là phỏng đoán. Mọi người chưa biết thực sự pin Baghdad để làm gì? Nghiên cứu về sự tồn tại bí ẩn của vật thể “vượt thời gian” ở Iraq vẫn còn bỏ ngỏ!