1. Không để chế độ ấm (Warm) của nồi cơm điện quá lâu. Bạn nấu cơm bằng nồi cơm điện, khi cơm chín, nồi cơm điện chuyển từ chế độ nấu (Cook) sang chế độ ấm (Warm). Bạn nên để chế độ Warm khoảng 10 - 15 phút rồi rút phích cắm điện ra. Không nên để chế độ Warm quá lâu, từ 30 - 60 phút trở lên, sẽ tốn điện. Tốt hơn hết, bạn nên ước chừng thời gian sẽ ăn cơm để cắm điện cho nồi cơm điện. Đừng cắm điện nồi cơm điện quá sớm, để sau đó nồi cơm điện chuyển sang chế độ Warm quá lâu sẽ tốn điện.

2. Dùng nước ấm để nấu cơm. Một cách đơn giản khác giúp bạn tiết kiệm điện năng khi nấu cơm với nồi cơm điện là dùng nước ấm để nấu cơm. Bằng cách này, thời gian nấu cơm sẽ rút ngắn hơn, cơm vẫn ngon và giúp tiết kiệm điện.

3. Đậy nắp nồi khi nấu. Đây là thao tác đơn giản. Đậy nắp nồi giúp hạn chế hơi nóng thoát ra ngoài, lượng nhiệt được giữ lại trong nồi khiến thức ăn nấu nhanh chín hơn. Việc rút ngắn thời gian nấu ăn là một cách tiết kiệm điện hiệu quả.

4. Cắt nhỏ thức ăn. Một số loại củ quả (như bí đỏ, cà rốt, củ dền, su hào, khoai tây, khoai lang,…) hay một số loại rau, khi bạn cắt mỏng hay cắt ngắn, sẽ giúp thức ăn nấu nhanh chín hơn. Điều này có nghĩa là thời gian tiêu thụ điện (của bếp từ, bếp hồng ngoại) cũng ít đi.

5. Không đun nước nhiều lần trong bình đun siêu tốc. Nhiều người để nhiều nước trong bình siêu tốc, lúc cần dùng thì bật lên đun lại. Việc đun đi, đun lại không ảnh hưởng tới chất lượng nước nhưng làm tăng chi phí tiền điện. Nên hạn chế việc đun đi, đun lại nước trong bình đun siêu tốc, gây tốn điện không đáng có.

6. Rút phích cắm điện khi không sử dụng. Các thiết bị điện trong nhà bếp như nồi cơm điện, bếp từ, bếp hồng ngoại, lò vi sóng, bình đun siêu tốc… nếu bạn không sử dụng các thiết bị này, mà vẫn cắm điện, chúng vẫn tiêu tốn điện năng đấy. Vì vậy, hãy rút phích cắm điện các thiết bị này ra khỏi ổ cắm điện khi bạn không sử dụng.