Kỷ lục tuyến cáp điện ngầm dưới biển sâu nhất thế giới thuộc về tuyến cáp truyền tải điện một chiều điện áp cao (high voltage direct current - HVDC) SAPEI, kết nối từ trạm biến áp ở Fiume Santo, vùng Sardinia với trạm biến áp ở Latina trên đất liền Ý.

Dự án xây dựng tuyến cáp điện ngầm SAPEI được khởi động từ tháng 10/2006 với các cuộc khảo sát và nghiên cứu khoa học về đáy biển Tyrrhenum. Biển Tyrrhenum là một phần của Địa Trung Hải ở ngoài bờ phía tây của nước Ý.

Việc lắp đặt cáp bắt đầu vào năm 2008. Chiều dài tuyến truyền tải điện SAPEI là 435km, bao gồm 420km cáp ngầm dưới biển và 15km cáp trên đất liền. Đường kính của cáp ngầm là 120mm. Cáp ngầm được lắp đặt ở độ sâu 1.600 mét (5.200 ft) dưới mực nước biển ở biển Tyrrhenian. Đây là tuyến cáp điện ngầm sâu nhất thế giới hiện nay trong số tất cả tuyến cáp điện ngầm xuyên biển hiện có.

Hoạt động rải cáp ngầm được thực hiện bởi tàu rải cáp Giulio Verne do Tập đoàn Prysmian sở hữu và điều hành. Tàu Giulio Verne dài 125 mét, rộng 31 mét, là tàu rải cáp lớn nhất thế giới và là một trong số ít tàu có công nghệ cần thiết để thực hiện công việc ở độ sâu 2.000 mét dưới mực nước biển ngay cả trong điều kiện thời tiết bất lợi. 

Trạm biến áp ở Latina có diện tích 35.000 m2, trạm biến áp ở Fiume Santo có diện tích 48.000 m2. Tháng 3/2010, các trạm biến áp ở Latina và Fiume Santo hoàn thành.

Tuyến cáp SAPEI được khánh thành vào ngày 17/3/2011. Tuyến cáp có công suất truyền tải cao nhất 1.000 MW ở điện áp 500 kV.

Tuyến cáp SAPEI được sở hữu và vận hành bởi Terna, nhà điều hành hệ thống lưới truyền tải điện, có trụ sở tại Rome, Ý. Dự án được đầu tư khoảng 750 triệu euro.