Công suất bóng đèn được tính bằng watt (W), đơn vị này thường ghi ngay trên vỏ thủy tinh của bóng đèn hay ghi trên bao bì. Trước đây, công suất được xem là chỉ số phản ánh về độ sáng của bóng đèn. Bởi quy luật là càng có nhiều điện năng (watt) đi vào thì càng có nhiều ánh sáng phát ra.

Nhưng với sự phát triển của nhiều loại bóng đèn tiết kiệm năng lượng (như đèn LED, đèn compact), ý nghĩa “công suất bóng đèn càng cao, đèn càng sáng” không còn đúng nữa. Khi bật đèn lên, dòng điện chạy qua bóng đèn, bên cạnh việc phát sáng, bóng đèn còn tỏa ra một lượng nhiệt. Các loại đèn tiết kiệm năng lượng không mất nhiều năng lượng do tỏa nhiệt (như đèn sợi đốt) nên hiệu quả hơn nhiều và cần ít điện hơn để tạo ra cùng một lượng ánh sáng. Ví dụ, đèn LED 5W có thể sáng tương đương đèn sợi đốt 40W.

Bảng tham khảo sau đây cho thấy, cùng phát ra lượng áng sáng tương đương nhưng công suất của đèn LED, đèn compact thấp hơn nhiều đèn sợi đốt:

Đèn LED

Đèn compact

Đèn sợi đốt

3 W

6 W

25 W

5 W

9 W

40 W

7 W

12 W

60 W

10 W

15 W

80 W

15 W

20 W

100 W

Ngày nay, người ta dùng lumen là đơn vị đo lượng ánh sáng phát ra từ bóng đèn. Đây là cách dễ nhất để xác định độ sáng của bóng đèn. Lumen trở thành thước đo đáng tin cậy hơn để đo độ sáng của bóng đèn. Số lumen càng cao thì bóng đèn càng sáng. Bóng đèn gia dụng tiêu chuẩn có thể có độ sáng khác nhau, nhưng số lumen thường nằm trong khoảng 300 – 800 lumen. Một số bóng đèn cao áp (HID), độ sáng có thể lên tới hàng chục hoặc hàng trăm nghìn lumen.

Tóm lại, lumens được sử dụng để mô tả lượng ánh sáng một bóng đèn phát ra, số lumen càng cao thì bóng đèn càng sáng. Trong khi đó, công suất cho biết điện năng mà bóng đèn sử dụng. Công suất của bóng đèn càng cao, càng tốn nhiều điện để thắp sáng bóng đèn. Với sự phát triển nhiều loại bóng đèn tiết kiệm năng lượng, công suất (watt) không còn là đơn vị chính xác phản ánh độ sáng của bóng đèn.