Năm 2021, Trung Quốc công bố kế hoạch xây dựng một con đập khổng lồ trên sông Yarlung Tsangpo (đoạn thượng nguồn của sông Brahmaputra ở Ấn Độ). Con đập này được xây dựng, theo kỳ vọng của Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch và mục tiêu đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2060.
Dự án đập Yarlung Tsangpo sẽ là một siêu đập với công suất 60 gigawatt (GW), dự kiến cung cấp 300 tỉ kWh điện/năm, sẽ tạo ra lượng điện gấp 3 lần so với đập Tam Hiệp. Sau khi hoàn thành, đập này sẽ có quy mô lớn nhất thế giới, vượt xa đập Tam Hiệp đang là đập thủy điện lớn nhất thế giới hiện nay.
Sông Yarlung Tsangpo bắt nguồn từ dòng sông băng Angsi ở vùng hồ Manasarovar thuộc cao nguyên Tây Tạng, sau đó nó chảy qua thung lũng nam Tây Tạng và hẻm núi Yarlung Tsangpo với đường đi uốn khúc từ tây sang đông. Khi nó chảy vào bang Arunachal Pradesh (Ấn Độ), sông Yarlung Tsangpo trở nên rộng hơn, được gọi là sông Siang, sau đó đến bang Assam (Ấn Độ), dòng sông được gọi là Brahmaputra. Từ Assam, dòng sông chảy vào Bangladesh, sau đó nhập vào sông Hằng, trước khi đổ ra vịnh Bengal.
Dòng chảy mạnh của sông Yarlung Tsangpo, tạo ra một trong những nơi tập trung tiềm năng năng lượng sông cực kỳ lớn trên thế giới. Do vị trí và quy mô dự kiến của dự án, trên lý thuyết, con đập mà Trung Quốc sắp xây dựng có thể tạo ra năng lượng cao hơn nhiều so với đập Tam Hiệp.
Đập Yarlung Tsangpo sẽ được xây dựng trên hạ lưu sông Yarlung Tsangpo. Khu vực dự kiến xây dựng đập chỉ cách biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ khoảng 30 km. Trong khi việc xây dựng đập Tam Hiệp đòi hỏi khoảng 1,4 triệu người phải di dời, thì khu vực xung quanh Yarlung Tsangpo lại có dân cư tương đối thưa thớt, nên chi phí di dời dân cư sẽ thấp hơn đáng kể.
Cao nguyên Tây Tạng là một khu vực quan trọng với nhiều con sông lớn ở châu Á. Vì lý do này, nơi đây là một trong những hệ sinh thái quan trọng nhất thế giới. Con sông Yarlung Tsangpo có tầm quan trọng đối với các cộng đồng dân cư sống dọc theo hai bờ. Người dân dựa vào nước sông và đất đai màu mỡ để làm nông nghiệp, tưới tiêu và đánh bắt cá.
Chưa kể đến sức ảnh hưởng to lớn của con sông về chiến lược và địa chính trị. Một con đập khổng lồ như vậy có thể cản trở dòng chảy của đất phù sa màu mỡ do dòng sông mang đến, ảnh hưởng tiêu cực đến các vùng canh tác ở hạ lưu, hoặc quyết định xả nước từ con đập trong mùa gió mùa, có thể là thảm họa lũ lụt đối với hạ lưu.
Hơn nữa, không chỉ Trung Quốc, Ấn Độ cũng đang dự tính xây dựng một số nhà máy thủy điện dọc theo Yarlung Tsangpo và các nhánh của con sông này ở vùng đông bắc Ấn Độ.
Chưa biết việc xây dựng đập Yarlung Tsangpo khi nào chính thức diễn ra. Tuy nhiên, kế hoạch này đang gây ra nhiều ý kiến khác nhau ở trong và ngoài nước xung quanh vấn đề hệ sinh thái tự nhiên bị thay đổi, mức độ an toàn của công trình,…