Sự tăng trưởng này diễn ra ngay cả khi có căng thẳng địa chính trị và bất ổn kinh tế. Điều này cho thấy thế giới vẫn tập trung vào an ninh năng lượng và chuyển sang các nguồn năng lượng sạch. Báo cáo Đầu tư năng lượng thế giới năm 2025 của IEA cung cấp bức tranh rõ hơn về nơi vốn năng lượng toàn cầu đang chảy vào và các thách thức ở phía trước.
Điện mặt trời dẫn đầu
Năm 2025, dự kiến toàn cầu sẽ có 3,3 nghìn tỉ đô la đầu tư vào sản xuất năng lượng. Trong đó, khoảng 2,2 nghìn tỉ đô la đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân, lưới điện, lưu trữ, nhiên liệu phát thải thấp, hiệu quả năng lượng và điện khí hóa. Con số này gấp đôi số tiền đầu tư cho dầu, khí đốt tự nhiên, than đá, dự kiến khoảng 1,1 nghìn tỉ đô la.
Đầu tư vào điện phát thải thấp tăng mạnh trong 5 năm qua. Công nghệ điện mặt trời dẫn đầu sự tăng trưởng này. Đến năm 2025, chi tiêu toàn cầu cho điện mặt trời, bao gồm cả hệ thống quy mô tiện ích và trên mái nhà, dự kiến đạt 450 tỉ đô la. Điều này khiến điện mặt trời trở thành hạng mục đầu tư năng lượng lớn nhất.
Tấm pin mặt trời, đặc biệt là các tấm pin nhập khẩu từ Trung Quốc, có giá cả phải chăng hơn, đang thúc đẩy đầu tư năng lượng ở nhiều nước đang phát triển. Ví dụ, năm 2024 Pakistan nhập khẩu các tấm pin mặt trời có công suất đến 19 GW, chiếm khoảng một nửa tổng công suất kết nối lưới điện của nước này.
Đầu tư cho pin lưu trữ sẽ đạt 66 tỉ đô la năm 2025. Điều này giúp tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo vào lưới điện. Đầu tư điện hạt nhân cũng tăng lên, chi tiêu cho các nhà máy mới và cải tạo dự kiến vượt quá 70 tỉ đô la trong năm 2025. Sự quan tâm đến các công nghệ hạt nhân mới, như lò phản ứng modular nhỏ (SMR), đang tăng lên, đặc biệt ở Hoa Kỳ và Trung Đông.
Đầu tư vào hạ tầng điện dự kiến đạt 1,5 nghìn tỉ đô la năm 2025, cao hơn khoảng 50% so với tổng chi phí cho việc đưa dầu, khí đốt tự nhiên và than ra thị trường. Chi tiêu cho lưới điện vào khoảng 400 tỉ đô la mỗi năm. Nhưng con số này không đủ để đáp ứng nhu cầu điện tăng nhanh và sự phát triển của năng lượng tái tạo.
Sự chậm trễ trong việc cấp phép, tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng với các thành phần như máy biến áp, cáp truyền tải, và tình hình tài chính yếu kém của các công ty tiện ích, đặc biệt ở các nước đang phát triển, đang làm chậm tiến độ.
Các quốc gia thúc đẩy bùng nổ năng lượng sạch
Trung Quốc đang là quốc gia dẫn đầu về công nghệ năng lượng sạch. Không chỉ theo đánh giá của IEA, một báo cáo riêng của tổ chức nghiên cứu năng lượng Ember cũng cho thấy xu hướng tương tự, Trung Quốc dẫn đầu về đầu tư năng lượng sạch năm 2025.
Trong khi đó, châu Âu đẩy nhanh đầu tư vào năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng, nhằm loại bỏ sự phụ thuộc nguồn cung cấp khí đốt của Nga. Hoa Kỳ cũng thúc đẩy đầu tư năng lượng sạch, một phần là để cạnh tranh với Trung Quốc trong chuỗi cung ứng các công nghệ sạch mới.
Giảm phát thải là lý do lớn để đầu tư, nhưng không phải lúc nào cũng là lý do chính. Các nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng bởi mối quan ngại về an ninh năng lượng và mong muốn dẫn đầu trong các ngành công nghiệp mới, đặc biệt là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và xe điện.
Hiệu ứng trung tâm dữ liệu
Sự phát triển nhanh chóng của AI và các trung tâm dữ liệu đang thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ điện và đầu tư vào sản xuất điện. Đến năm 2030, các trung tâm dữ liệu có thể sử dụng 950 TWh điện, tăng gấp đôi lượng điện hiện tại. Điều này có thể dẫn đến hơn 170 tỉ đô la đầu tư cho công suất phát điện mới. Các nguồn năng lượng tái tạo sẽ đáp ứng hầu hết nhu cầu này.
Việc cung cấp năng lượng cho các trung tâm dữ liệu cũng đang tập trung chú ý đến giải pháp tiếp theo như lò phản ứng hạt nhân modular nhỏ. SMR cung cấp nguồn điện ổn định, phù hợp với nhu cầu năng lượng liên tục của các trung tâm dữ liệu. Tuy nhiên, các thách thức như sự không chắc chắn về chi phí và giấy phép pháp lý đối với SMR vẫn còn tồn tại.
Than và khí đốt vẫn đóng vai trò quan trọng
Mặc dù tập trung vào năng lượng sạch, than và khí đốt vẫn tiếp tục đóng vai trò chính ở một số khu vực. Năm 2024, Trung Quốc bật đèn xanh cho gần 100 GW nhà máy điện mới chạy bằng than. Ấn Độ bổ sung thêm 15 GW.
Ngược lại, các nền kinh tế tiên tiến không đặt hàng bất kỳ nhà máy điện mới nào chạy bằng than vào năm 2024. Đáng chú ý, đầu tư vào điện chạy bằng khí đốt đang tăng lên. Hoa Kỳ và Trung Đông chiếm gần một nửa số dự án mới được phê duyệt.
Triển vọng năm 2025 và xa hơn
Bối cảnh đầu tư năng lượng toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, theo báo cáo của IEA. Các công nghệ năng lượng sạch đang thu hút nhiều tiền và sự quan tâm hơn. Nhiên liệu hóa thạch vẫn quan trọng ở một số khu vực. Tuy nhiên, xu hướng đang thay đổi.
Nhiều khoản đầu tư hơn đang đổ vào năng lượng tái tạo, điện khí hóa và hiệu quả năng lượng. Quá trình chuyển đổi này đang được định hình bởi những tiến bộ công nghệ, các yếu tố kinh tế và nhu cầu về an ninh năng lượng, cũng như các chính sách về khí hậu.
Để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng và đảm bảo an ninh năng lượng, đầu tư vào lưới điện và lưu trữ cần được đẩy nhanh. Do đó, việc tiếp tục hỗ trợ cho đổi mới và cơ sở hạ tầng sẽ rất quan trọng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng thành công trong những năm tới.