Công ty Meta vừa thông báo vào thứ ba 3/12/2024, đưa ra yêu cầu cho các nhà phát triển năng lượng hạt nhân tại Hoa Kỳ, để tìm kiếm đối tác thực hiện giấy phép, thiết kế, chế tạo, tài trợ, xây dựng và vận hành các nhà máy điện để tạo ra nguồn năng lượng hạt nhân lâu dài.
Meta nhắm tới mục tiêu 1 - 4 gigawatt công suất phát điện hạt nhân mới tại Hoa Kỳ, bắt đầu triển khai từ đầu những năm 2030, nhằm hỗ trợ các yêu cầu đổi mới trí tuệ nhân tạo (AI) và phát triển bền vững của mình.
Công ty mẹ của Facebook cho biết, họ tin rằng điện hạt nhân có thể cung cấp nguồn điện sạch, đáng tin cậy cho cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu đang mở rộng của mình và các cộng đồng xung quanh. Theo Meta, bằng cách đầu tư vào năng lượng hạt nhân, họ hy vọng sẽ góp phần tạo ra một lưới điện sạch hơn và đa dạng hơn.
Meta AI, chatbot AI của công ty được nhúng vào các nền tảng truyền thông xã hội phổ biến như Instagram và Facebook, có hơn 500 triệu người dùng hằng tháng. CEO Mark Zuckerberg trước đây nói rằng nó đang trên đà trở thành trợ lý AI được sử dụng nhiều nhất trên thế giới vào cuối năm nay.
Trong vài tháng qua, các công ty lớn như Amazon, Microsoft, Google liên tiếp công bố quan hệ đối tác với các công ty năng lượng để phát triển điện hạt nhân. Amazon đã ký thỏa thuận với Talen Energy, để cùng đặt một cơ sở trung tâm dữ liệu bên cạnh cơ sở hạt nhân của công ty có trụ sở tại Pennsylvania, Hoa Kỳ.
Google thông báo đã ký thỏa thuận doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới để mua năng lượng hạt nhân từ "lò phản ứng module nhỏ" (SMR), loại lò phản ứng thiết kế nhỏ hơn với các tính năng an toàn tiên tiến, do Kairos Power có trụ sở tại California phát triển, dự kiến SMR đầu tiên sẽ đi vào hoạt động vào cuối thập kỷ này.
Vào tháng 9/2024, Microsoft và Constellation công bố thỏa thuận mua điện trong 20 năm, theo đó sẽ khởi động lại lò phản ứng số 1 tại nhà máy Three Mile Island, gần địa điểm xảy ra sự cố điện hạt nhân tồi tệ nhất tại Hoa Kỳ. Thông qua thỏa thuận này, Microsoft sẽ mua điện từ lò phản ứng số 1 để giúp đạt được các mục tiêu giảm phát thải carbon.
AI và các trung tâm dữ liệu, cực kỳ tiêu tốn điện. Theo một nghiên cứu của Goldman Sachs, một truy vấn trên ChatGPT cần lượng điện gần gấp 10 lần so với tìm kiếm trên Google. Một số liệu khác cho biết, các trung tâm dữ liệu cung cấp năng lượng cho các chatbot AI, như ChatGPT của OpenAI, chiếm gần 2% lượng điện tiêu thụ toàn cầu.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính trong dự báo hằng năm mới nhất rằng, tổng lượng điện tiêu thụ của các trung tâm dữ liệu, nơi chứa các hệ thống máy tính, có thể đạt hơn 1.000 terawatt giờ vào năm 2026.