Nhìn chung, trung hòa carbon và phát thải ròng bằng 0 có chung kết quả cuối cùng là loại bỏ khí thải có hại khỏi bầu khí quyển của Trái đất, nhưng quy mô và loại khí thải được loại bỏ giữa chúng là khác nhau.

Khác biệt giữa trung hòa carbon và phát thải ròng bằng 0

Phát thải ròng bằng 0 (Net zero) đề cập đến lượng khí nhà kính được loại bỏ khỏi bầu khí quyển cân bằng với lượng khí thải do hoạt động của con người thải ra. Khí nhà kính bao gồm các loại như: carbon dioxide (CO2), methane (CH4), nitrous oxide (N2O), các hydrofluorocarbon (HFCs)… Net zero tập trung nhiều hơn vào giảm lượng khí thải về 0 càng nhiều càng tốt là biện pháp trước tiên, chỉ áp dụng việc hấp thụ carbon dư thừa không thể tránh khỏi như biện pháp cuối cùng.

Trung hòa carbon (Carbon neutral) đề cập đến cân bằng giữa lượng khí CO2 thải ra và lượng khí carbon được loại bỏ hoặc giảm bớt. Trung hòa carbon tập trung vào giảm đáng kể lượng khí thải carbon xuống mức 0, hoặc cho phép trung hòa lượng khí thải carbon hiện có thông qua bù đắp và mua tín dụng carbon.

Trở thành trung hòa carbon có nghĩa là gì?

Các doanh nghiệp thường nói về việc trở thành trung hòa carbon trong quá trình hoạt động. Điều này có nghĩa là họ đang thực hiện các bước để loại bỏ lượng CO2 tương đương với lượng khí thải phát ra trên toàn bộ chuỗi cung ứng của họ. Nhiều công ty bắt đầu quá trình này bằng cách cắt giảm lượng khí thải CO2 của họ càng nhiều càng tốt trước, sau đó mới đến đầu tư vào các chương trình bù trừ.

Việc bù trừ thực hiện bằng cách đầu tư vào “bể chứa carbon” hấp thụ CO2. Các bể chứa carbon, chẳng hạn như rừng hoặc đại dương, hấp thụ và lưu trữ nhiều carbon hơn từ khí quyển so với lượng khí thải mà chúng thải ra. Đầu tư “bể chứa carbon” được gọi là cách bù trừ, cho phép các công ty biết rằng lượng khí thải carbon của họ được cân bằng.

Tuy nhiên, không chỉ các doanh nghiệp mới có thể phấn đấu đạt mức trung hòa carbon. Tất cả chúng ta đều có thể đóng góp với tư cách cá nhân. Việc lựa chọn lối sống bền vững hơn có thể giúp giảm lượng khí thải carbon và hạn chế tác động tổng thể đến môi trường. Chẳng hạn như sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay vì phương tiện cá nhân, hạn chế lãng phí thực phẩm, tái chế bao bì và quần áo cũ, tiết kiệm điện, trồng nhiều cây xanh.

Thực hiện phát thải ròng bằng 0 như thế nào?

Về nguyên tắc, mức phát thải ròng bằng 0 tương tự như mức trung hòa carbon, nhưng được mở rộng về quy mô. Để đạt được mức phát thải ròng bằng 0, có nghĩa là không chỉ đề cập đến loại bỏ khí thải carbon, mà còn loại bỏ tất cả khí nhà kính khác, như CH4, N2O và các HFCs…

Cũng giống như trung hòa carbon, để đạt được mức phát thải ròng bằng 0, lượng khí nhà kính thải ra khí quyển phải tương đương với lượng khí nhà kính được loại bỏ khỏi khí quyển.

Hành động để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 đang diễn ra trên quy mô toàn cầu, nhưng đòi hỏi sự hợp tác của các chính phủ trên thế giới, cũng như các khu vực doanh nghiệp. Nghiên cứu chỉ ra rằng mức phát thải ròng bằng 0 có lợi cho các doanh nghiệp về lâu dài. Việc đạt được điều này không chỉ cho phép doanh nghiệp tiết kiệm chi phí thông qua hiệu quả hoạt động tốt hơn mà còn giúp bảo vệ môi trường tự nhiên cho tất cả các bên liên quan.