Sông lớn thứ ba thế giới

Sông Dương Tử (Yangtze) ở Trung Quốc, còn gọi là sông Trường Giang, là con sông dài thứ ba trên thế giới (sau sông Nile ở châu Phi, sông Amazon ở Nam Mỹ) và là con sông dài nhất châu Á. Sông Dương Tử bắt nguồn từ phía tây Trung Quốc, gồm một số nhánh ở phía đông cao nguyên Tây Tạng và tỉnh Thanh Hải, sau đó hợp lại, chảy dài 6.385 km theo hướng đông tới biển Hoa Đông.

Phía thượng nguồn sông Dương Tử được gọi là sông Kim Sa (Jinsha), dài hơn 2.308 km chảy qua các tỉnh Thanh Hải, Tứ Xuyên, Vân Nam ở phía tây Trung Quốc. Sông Kim Sa là một trong những con sông phát triển thủy điện lớn nhất thế giới. Bên cạnh mục tiêu chính của các đập trên sông Kim Sa là sản xuất điện để đáp ứng nhu cầu ở phía đông Trung Quốc, một mục đích khác là giảm bớt trầm tích trong hồ chứa đập Tam Hiệp. Dọc hạ lưu sông Kim Sa, có bốn đập rất lớn là Xiluodu, Xiangjiaba, Baihetan và Wudongde.

Sông Dương Tử có hơn 700 chi lưu. Một số chi lưu chính cũng được tận dụng để phát triển thủy điện là: sông Yalong dài 1.571 km, sông Wu dài 1.150 km,…

Hơn 100.000 MW!

Dọc sông Dương Tử có nhiều đập thủy điện lớn. Trong đó, ở phía thượng lưu, dọc sông Kim Sa có 10 đập là đập Ahai, đập Baihetan, đập Guanyinyan, đập Jinanqiao, đập Liyuan, đập Longkaikou, đập Ludila, đập Wudongde, đập Xiangjiaba, đập Xiloudu. Ở phía hạ lưu sông Dương Tử có 2 đập lớn là đập Three Gorges (Tam Hiệp) và đập Gezhouba. Các đập trên đều đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Với 12 đập lớn trên dòng chính sông Dương Tử, các nhà máy thủy điện đã sản xuất lượng điện năng khổng lồ. Cụ thể, công suất của các nhà máy thủy điện này như sau: Three Gorges (22.500 MW), Baihetan (16.000 MW), Xiluodu (13.860 MW), Wudongde (10.200 MW), Xiangjiaba (6.448 MW), Guanyinyan (3.000 MW), Gezhouba (2.715 MW), Liyuan (2.400 MW), Jinanqiao (2.400 MW), Ludila (2.160 MW), Ahai (2.000 MW), Longkaikou (1.800 MW). Trong đó, nhà máy thủy điện Tam Hiệp và Baihetan lần lượt giữ hai vị trí nhà máy thủy điện lớn nhất và lớn nhì thế giới.

Chỉ tính 12 nhà máy thủy điện lớn nhất trên dòng chính sông Dương Tử, tổng công suất lắp đặt đã lên đến 85.483 MW! Để so sánh, tổng công suất lắp đặt điện của một số quốc gia năm 2021: Iran 80.619 MW, Saudi Arabia 76.815 MW, Indonesia 69.756 MW.       

Bên cạnh đó, dọc sông Yalong có các nhà máy thủy điện lớn như: Jinping II (4.800 MW), Jinping I (3.600 MW), Ertan (3.300 MW), Guandi (2.400 MW)… Trên sông sông Wu có các nhà máy thủy điện lớn: Goupitan (3.000 MW), Pengshui (1.750 MW), Wujiangdu (1.250 MW)… Tính thêm các nhà máy điện trên sông Yalong, sông Wu, tổng công suất lắp đặt các nhà máy điện trên sông Dương Tử và các chi lưu vượt quá 100.000 MW.

Các nhà máy thủy điện bậc thang dọc theo dòng chính của sông Dương Tử và các chi lưu, tạo thành hành lang năng lượng sạch lớn nhất thế giới. Với hành lang năng lượng sạch lớn nhất thế giới có công suất phát điện cực đại, nguồn thủy điện dồi dào từ phía tây Trung Quốc đã góp phần quan trọng trong việc vận hành an toàn và ổn định lưới truyền tải điện, hỗ trợ mạnh mẽ nguồn năng lượng sang các khu vực kinh tế lớn ở phía đông Trung Quốc.