Đức đang có kế hoạch loại bỏ dần các nhà máy điện đốt than vào năm 2030. Tuy nhiên, do cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022 ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh của Nga và Ucraina, công suất 15 nhà máy điện than có kế hoạch đóng cửa, vẫn được giữ tạm thời trên lưới điện như một biện pháp dự phòng, để chống chọi với giá năng lượng tăng cao.
Vào tháng 3/2022, chính phủ Đức quyết định kích hoạt lại 5 nhà máy điện than và hoãn việc đóng cửa 2 nhà máy khác trước dự đoán nguồn cung khí đốt của Nga sẽ giảm. Quyết định này được gia hạn thêm một lần nữa vào tháng 10/2023 khi nguồn cung khí đốt của Nga giảm và nguồn cung điện hạt nhân của Pháp hoạt động thấp.
Sau khi giá năng lượng giảm trở lại, công suất các nhà máy điện than này giờ đây đã trở nên không cần thiết và có thể được đưa ra khỏi hoàn toàn lưới điện. Đức quyết định đóng cửa chúng. Việc đóng cửa đã được lên kế hoạch và tính đến trong tất cả dự báo nguồn cung. An ninh nguồn cung vẫn được đảm bảo.
Giá khí đốt đã giảm đáng kể, trong khi việc mở rộng phát triển năng lượng tái tạo đã giúp phần lớn nguồn điện hiện nay của Đức đến từ các nguồn sạch, thân thiện với môi trường, khí hậu.
Vào chủ nhật 31/3/2024, 7 nhà máy nhiệt điện than, có tổng công suất khoảng 3,1 gigawatt (GW) đã ngừng hoạt động. Trong đó, có 5 nhà máy điện đốt than non tại các địa điểm Grevenbroich-Neurath và Bergheim-Niederaussem (2,1 GW) ở bang North Rhine-Westphalia và 2 tổ máy E, F (1 GW) tại nhà máy điện Jänschwalder ở bang Brandenburg.
Đến thứ hai 1/4/2024, Bộ Kinh tế Đức tuyên bố đóng cửa thêm 8 nhà máy điện đốt than, với tổng công suất 1,3 GW. Tổng cộng, trong 4 tháng đầu năm 2024, Đức đã đóng của 15 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất 4,4 GW.
Năm 2023, sản lượng điện từ các nhà máy nhiệt điện than ở Đức đã ghi nhận mức giảm đáng kể, chiếm khoảng 26% nguồn cung năng lượng ở Đức, giảm so với mức 33% của năm 2022.