Điện chờ là gì?

Nhiều thiết bị điện có chế độ chờ (standby mode). Chúng sử dụng điện ở chế độ chờ để sẵn sàng hoạt động ngay khi bạn bật lên. Điều này mang lại sự tiện lợi cho cuộc sống của bạn, nhưng cũng tiêu thụ điện, làm tăng tiền điện của bạn ngay cả khi bạn không sử dụng thiết bị điện.

Điện năng chờ là thuật ngữ gắn liền với nhiều thiết bị điện thế hệ mới. Các thiết bị này có một mạch nhỏ bên trong luôn được duy trì ở trạng thái sẵn sàng được kích hoạt, bởi luôn được cấp điện. Đây là lý do tại sao bạn vẫn thấy đèn báo hiện ở nhiều thiết bị điện, cho biết chúng đang ở chế độ chờ.

Khi bạn dùng điều khiển từ xa (remote) tắt thiết bị, tức là thiết bị điện không hoạt động nữa, nhưng phích cắm điện vẫn còn trong ổ điện, nghĩa là chúng vẫn tiếp tục tiêu thụ điện! Bởi thế, điện năng ở chế độ chờ còn gọi là điện năng ảo, hay điện ma cà rồng!

Nhiều khi bạn không nhận ra điều đó hoặc không quan tâm nhưng chúng vẫn âm thầm tiêu tốn điện năng, bởi vậy mới có thuật ngữ điện ma cà rồng!

Mặc dù các thiết bị điện ở chế độ chờ không tiêu thụ nhiều điện như khi chúng đang hoạt động, nhưng vẫn tiêu tốn điện, dù nhỏ. Bạn vẫn có thể tiết kiệm điện hơn nữa nếu cắt hẳn mức tiêu thụ điện ở chế độ chờ. 

Thiết bị nào tiêu thụ điện ở chế độ chờ?

Một máy tính, có các thiết bị ngoại vi, sử dụng khoảng 170 watt mỗi giờ khi bật. Khi bạn tắt máy tính (shut down) nhưng chưa rút phích cắm điện ra, vẫn tiêu thụ 25 - 30 watt điện. Vì vậy, trung bình, một máy tính khi tắt đi, vẫn sử dụng 13% điện năng so với khi hoạt động thông thường.

Đối với một công ty, doanh nghiệp có nhiều thiết bị văn phòng công suất lớn, mức tiêu thụ điện ở chế độ chờ là chi phí không mong muốn, có thể là gánh nặng chi phí tiền điện.

Có thể liệt kê một số thiết bị điện thường tiêu thụ điện ở chế độ chờ là:

+ Ở công sở, tòa nhà thương mại: Máy bán đồ uống tự động, máy pha cà phê, máy nước nóng lạnh, máy điều hòa nhiệt độ (máy lạnh), máy in, máy photocopy, router (modem wifi)…

+ Ở gia đình: Máy điều hòa nhiệt độ (máy lạnh), máy giặt, tivi, router (modem wifi)…

Các cách giảm mức tiêu thụ điện chờ

+ Điều trước tiên là bạn nên rút phích cắm điện ra với các thiết bị điện không sử dụng trong thời gian dài để loại bỏ mức tiêu thụ điện chờ. Rút phích cắm điện là cách tốt nhất để tiết kiệm điện và ví tiền của bạn. Tuy nhiên, cũng có trường hợp ngoại lệ như tủ lạnh hoặc tủ đông, cần phải cắm điện để duy trì nhiệt độ bên trong.

+ Luôn cắm bộ sạc điện thoại trong ổ cắm điện suốt 24/24 là điều không cần thiết, đây là ví dụ phổ biến nhất về mức tiêu thụ điện năng chờ. Bạn hãy tạo thói quen chỉ cắm bộ sạc điện thoại trong ổ cắm điện khi bạn cần.

+ Ở công sở, áp dụng in ấn bằng một máy in trung tâm thay vì các máy in riêng biệt ở mỗi phòng, ban.

+ Khi đầu tư vào các thiết bị chạy cả ngày, như tủ lạnh, hãy căn cứ vào chi phí vận hành thấp nhất và hiệu suất tốt nhất để mua.

+ Nếu bạn không sử dụng thường xuyên và muốn tiết kiệm tiền điện, hãy cân nhắc thay thế máy tính để bàn bằng máy tính xách tay, sẽ có mức tiêu thụ năng lượng thấp hơn đáng kể.

+ Sử dụng ổ cắm điện cho nhiều thiết bị thường sử dụng cùng nhau. Chẳng hạn cắm tivi, máy chơi game, hệ thống loa vào cùng một ổ cắm điện. Chỉ cần nhấn tắt một công tắc hoặc tháo một phích cắm, bạn sẽ tắt hết tất cả. Điều này dễ hơn nhiều so với việc thao tác 3 - 4 công tắc hoặc nhiều hơn.

+ Lựa chọn mua các thiết bị điện tử được chứng nhận Energy Star đáp ứng các yêu cầu về công suất chờ thấp nhất.