Năm 2013, một đàn sứa mặt trăng (Aurelia aurita) lớn bất thường tràn vào khu vực cửa lấy nước của nhà máy điện hạt nhân Oskarshamn ở phía đông nam Thụy Điển. Đàn sứa khổng lồ làm tắc nghẽn đường ống dẫn nước, khiến nhà máy không nhận được nước để làm mát hệ thống lò phản ứng và turbine. Sự cố khiến nhà máy phải tạm ngừng hoạt động lò phản ứng số 3 vào chủ nhật 29/9/2013.
Giải pháp xử lý này dẫn đến cắt khoảng 5% nguồn cung điện của Thụy Điển. Đến ngày 1/10/2013, các đường ống mới được làm sạch sứa để khởi động lại lò phản ứng công suất 1.400 MW, một trong những lò phản ứng nước sôi lớn nhất thế giới.
Điều may mắn là đàn sứa chưa vượt qua bộ lưới lọc cửa dẫn nước của nhà máy nên không xảy ra sự cố nghiêm trọng. Nhưng lò phản ứng cũng phải ngừng hoạt động để giải quyết tắc nghẽn kỳ lạ này. Tháng 8/2005, lò phản ứng số 1 ở nhà máy Oskarshamn cũng từng tạm ngưng vận hành vì lý do sứa tràn vào tương tự.
Nhà máy điện hạt nhân Oskarshamn cách thành phố Oskarshamn khoảng 30 km về phía bắc, ngay tại Kalmarsund ở bờ biển Baltic. Cả ba lò phản ứng ở nhà máy điện hạt nhân Oskarshamn đều là loại nước sôi, cùng công nghệ tại nhà máy Fukushima Daiichi của Nhật Bản từng gặp sự cố vào năm 2011 sau khi một trận sóng thần tràn vào, làm hư hỏng các thiết bị của nhà máy.
Điều kỳ lạ là câu chuyện sứa làm ngừng hoạt động nhà máy điện Oskarshamn không phải là lần duy nhất. Có vẻ như loài sinh vật cơ thể trong suốt (khoảng 95% là nước) có sở thích khám phá, khiến các nhà máy điện ngừng hoạt động.
Ngày 21/10/2008, lò phản ứng số 2 nhà máy điện hạt nhân Diablo Canyon (gồm 2 tổ máy) ở bờ biển miền trung California (Hoa Kỳ) phải ngừng hoạt động khi một lượng lớn sứa làm tắc nghẽn các tấm chắn nước tuần hoàn, gây ra vấn đề về áp suất nước. Gần bốn năm sau, ngày 26/4/2012, nhà máy điện Diablo Canyon lại tạm ngừng lò phản ứng số 2, vì sự cố giống như năm 2008, nhưng lần này là loài sinh vật biển nhỏ giống sứa có tên là Salp.
Ngày 22/8/2011, một “cuộc xâm nhập quy mô lớn” của đàn sứa Aurelia aurita vào kênh làm mát tại nhà máy điện hạt nhân St. Lucie ở Florida (Hoa Kỳ), làm tắc nghẽn đường ống dẫn nước, buộc nhà máy phải ngừng hoạt động trong hai ngày.
Cuối tháng 6/2011, nhà máy điện hạt nhân Torness ở ngoại ô Dunbar, Scotland buộc phải đóng cửa sau khi sứa tràn vào cửa dẫn nước, làm tắc hệ thống làm mát. Các nhân viên đã tắt cả hai lò phản ứng để đề phòng sự cố.
Tháng 7/2011, nhà máy điện Orot Rabin ở Hadera, Israel, gặp rắc rối khi đàn sứa chặn nguồn cung cấp nước biển sử dụng cho mục đích làm mát, buộc người vận hành phải tạm ngừng hoạt động nhà máy và sử dụng máy cào để loại bỏ sứa.
Sứa mặt trăng là một trong những loại sứa phổ biến nhất trên thế giới, được tìm thấy ở khắp các đại dương. Theo một số chuyên gia, sự phát triển nở rộ của những đàn sứa này, được gọi là sứa “nở hoa”, mang tính chu kỳ. Những người khác cho rằng, quần thể sứa đang gia tăng do môi trường thay đổi, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu.
Điều kiện đại dương thay đổi, chẳng hạn như nhiệt độ ấm hơn do phát thải carbon dioxide, có thể ít ảnh hưởng đến sứa hơn so với các sinh vật biển khác vì sứa cần ít oxy hơn để tồn tại. Việc đánh bắt quá mức các loài săn mồi, cũng được cho là dẫn đến sự gia tăng quần thể sứa. Dù bằng cách nào, số lượng sứa ngày càng tăng, con người sẽ phải nghĩ ra những cách mới để đối phó với chúng. Hiện nay, việc sử dụng các bộ lọc mảnh vụn ở cửa lấy nước và các quy trình an toàn như nhiều nhà máy điện hạt nhân đang làm, vẫn là giải pháp duy nhất.
Các nhà máy điện hạt nhân cần dòng nước mát liên tục để làm mát hệ thống lò phản ứng và turbine. Đó là lý do tại sao nhiều nhà máy điện hạt nhân được xây dựng gần các vùng biển. Do vị trí như vậy, các nhà máy điện hạt nhân không chỉ đối phó rủi ro tiềm ẩn như sóng thần (từng xảy ra ở Fukushima I của Nhật Bản năm 2011) mà còn cả những vị khách không mời mà đến: sứa!
Sứa tràn vào không gây ra mối đe dọa an toàn nhưng lại cản trở hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân ven biển. Thông thường, nhiệt từ các lò phản ứng biến nước thành hơi, sử dụng để quay các turbine tạo ra điện. Sau đó, hơi nước được làm mát, bằng cách cho đi qua một thiết bị gọi là thiết bị ngưng tụ, nơi nhiệt được hút ra bởi dòng nước mát.
Các đường ống mà nước làm mát chảy qua thường có các tấm màn chắn mảnh vụn, nhưng lại có thể bị sứa làm tắc nghẽn. Khi nước làm mát ngừng chảy qua tấm màn chắn, các turbine không thể chạy bình thường và phải tắt. Bản thân các lò phản ứng cũng thường bị ngừng hoạt động.
Sứa tấn công nhà máy điện hạt nhân là tình huống thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Vấn đề thường được khắc phục bằng cách cho nước chảy ngược lại hệ thống đường ống, làm sạch các tấm chắn. Trong một số trường hợp, thợ lặn cũng có thể lặn xuống để làm sạch khu vực cửa dẫn nước.
Việc nhà máy điện hạt nhân ngừng hoạt động liên quan đến sứa có thể là một trong những hệ quả mà các nhà khoa học cảnh báo về biến đổi khí hậu, góp phần gia tăng đáng ngại về số lượng sứa trên toàn cầu.