1857
Johann Heinrich Wilhelm Geissler (1814 – 1879) nhà vật lý và chuyên gia thổi thủy tinh người Đức, sáng chế ra ống Geissler. Heinrich Geissler được coi là cha đẻ của đèn neon. “Ống Geissler” là ống thủy tinh có các điện cực ở hai đầu, chứa khí ở áp suất chân không. Geissler thử nghiệm dòng điện phóng qua nhiều loại khí khác nhau để tạo ra ánh sáng. Ống Geissler là cơ sở cho đèn neon, đèn hơi thủy ngân, đèn huỳnh quang, đèn halogen sau này.
1894 – 1896
Dựa trên ống Geissler và những phát minh khác trước đó, Daniel McFarlan Moore (1869 – 1936) nhà phát minh và kỹ sư điện người Mỹ, đã phát triển “đèn Moore”. Đèn được tạo ra bằng cách thổi nitơ hoặc carbon dioxide vào ống thủy tinh kín chân không; khí phát ra ánh sáng trắng khi được tích điện bằng dòng điện. Moore dùng các ống này thắp sáng ngoại thất, nội thất và các biển hiệu thủ công.
1898
Nhà hóa học người Anh William Ramsay và Morris Travers phát hiện ra khí neon trong “ngọn lửa đỏ thẫm” ở phòng thí nghiệm tại London của ông. (Ramsay cũng là người phát hiện ra các loại khí hiếm khác như argon, helium, krypton, xenon, những chất này sau này được sử dụng trong đèn neon). Tuy nhiên, mục tiêu của Ramsay là khoa học hơn là thương mại. Phải hơn một thập kỷ sau, người ta mới tìm ra được những ứng dụng thực tế của neon.
Thập niên 1900
Ống đèn Moore lan rộng ở vùng đông bắc Hoa Kỳ và các thành phố châu Âu. Năm 1904, ống đèn Moore được lắp đặt thương mại lần đầu tiên tại một cửa hàng ở Newark, New Jersey, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chi phí cao đã hạn chế việc áp dụng rộng rãi.
1910
Georges Claude, nhà hóa học và kỹ sư người Pháp, nghĩ ra phương pháp tách neon khỏi không khí, khiến đèn có giá cả phải chăng. Georges Claude tạo ra ánh sáng neon bằng cách truyền dòng điện vào khí neon hoặc argon trong một ống thủy tinh kín. Đèn neon của Claude thu hút được sự chú ý đáng kể khi được sử dụng để chiếu sáng một khu vực quanh Grand Palais trong Triển lãm ô tô Paris vào tháng 12/1910.
1912
Nhận thấy những ứng dụng tiềm năng trong quảng cáo, Jacques Fonseque, trợ lý của Claude, bắt đầu tạo hình ống đèn neon thành các chữ cái và ký hiệu. Biển hiệu đèn neon thương mại đầu tiên của Claude được treo trên một tiệm cắt tóc ở đại lộ Montmartre, Paris (Pháp) với dòng chữ “Palais Coiffeur”.
1915
Công nghệ đèn neon của Georges Claude được Văn phòng bằng sáng chế Hoa Kỳ cấp bằng sáng chế thành công, mở đường cho một kỷ nguyên mới trong bảng hiệu quảng cáo ở Hoa Kỳ.
Thập niên 1920
Các bảng hiệu đèn neon xuất hiện và dần dần phổ biến ở Mỹ, trở thành biểu tượng thời trang của thời hiện đại. Khi đường cao tốc của Hoa Kỳ mở rộng, các biển hiệu đèn neon không chỉ chiếu sáng các khu vực thành thị mà còn cả cảnh quan ven đường.
Các bảng hiệu đèn neon bắt đầu xuất hiện ở Tokyo (Nhật Bản).
1924
Đèn neon của Georges Claude xuất hiện lần đầu tại Mỹ với bảng hiệu đèn neon cho đại lý ô tô Packard ở Los Angeles. Georges Claude mở rộng phạm vi hoạt động của mình ở Mỹ, bằng cách thành lập Claude Neon Light Inc. ở New York. Ông sớm nhượng quyền hoạt động của mình tới Chicago, Los Angeles, San Francisco, Detroit, Pittsburgh, Boston, Casablanca và Thượng Hải.
Các công ty Mỹ có bằng sáng chế riêng về đèn neon cũng cạnh tranh với các công ty Claude Neon.
1926
Biển hiệu đèn neon lần đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc, quảng cáo máy đánh chữ Royal trên cửa sổ tại Công ty sách Evan trên đường Đông Nam Kinh ở Thượng Hải.
Thập niên 1930
Khi các bằng sáng chế của Claude ở Mỹ hết hạn, công nghệ đèn neon trở nên phổ biến rộng rãi hơn, đẩy nhanh đáng kể sự phát triển của đèn neon ở Mỹ và trên toàn thế giới. Lớp phủ lân quang và ống màu cho phép đèn neon đa dạng các màu sắc mới.
Thập niên 1940
Những hạn chế về vật liệu trong chiến tranh thế giới thứ hai và tình trạng mất điện đã khiến ngành công nghiệp bảng hiệu quảng cáo bị đình trệ trong thời gian dài.
Thập niên 1950
Đèn neon giảm dần một số nơi ở Mỹ, nhưng ở các thành phố phát triển như Las Vegas vẫn bị “đèn neon hóa” ở nhiều công trình, tòa nhà để quảng cáo cho các sòng bạc, quán bar, tụ điểm giải trí. Ở Hồng Kông, ngành công nghiệp đèn neon bùng nổ với số lượng lớn các xưởng sản xuất; hoạt động kinh doanh thương mại của các ngành hàng.
Thập niên 1960
Với những nỗ lực làm quang đãng đường cao tốc ở Mỹ, hạn chế các biển quảng cáo, hàng nghìn biển hiệu đèn neon và bóng đèn sợi đốt được tháo gỡ. Nhưng việc trình diễn nghệ thuật ánh sáng bằng đèn neon ở châu Âu và Mỹ vẫn được ưa chuộng như phòng trưng bày, biển hiệu các doanh nghiệp, tụ điểm giải trí.
Thập niên 1990
Sự xuất hiện của đèn LED tiết kiệm năng lượng hơn, làm thị trường và nhu cầu trang trí bằng đèn neon giảm dần. Các hình thức quảng cáo mới cũng bắt đầu chiếm ưu thế khiến đèn neon chỉ còn được sử dụng hạn chế ngày nay.
Trong lịch sử lâu đời hàng thế kỷ, đèn neon đã trải qua một chặng đường dài nhiều thăng trầm. Công bằng mà nói, đèn neon đã để lại nhiều dấu ấn trong chiếu sáng. Mức độ phổ biến của nó giảm dần từ những năm 1960 trở đi, khi các doanh nghiệp không coi đây là loại bảng hiệu chiếu sáng khả thi nhất cho thương hiệu của họ. Chiếu sáng bằng đèn LED, laser nổi lên trong việc trình diễn ánh sáng. Đèn neon qua thời đỉnh cao nhưng vẫn là một phần trong lịch sử đèn chiếu sáng.