Lầm tưởng 1. Khí hậu Trái đất luôn thay đổi là bình thường!
Trong suốt lịch sử 4,5 tỉ năm của Trái đất, khí hậu thay đổi rất nhiều, nóng rồi lại mát, đó là điều bình thường. Điều này là đúng. Nhưng sự nóng lên nhanh chóng mà chúng ta thấy hiện nay không thể giải thích được bằng các chu kỳ nóng lên rồi lại mát tự nhiên bình thường. Những thay đổi thường xảy ra trong hằng trăm nghìn năm, nay chỉ diễn ra trong nhiều thập kỷ.
Sự nóng lên nhanh chóng này tương ứng với mức độ carbon dioxide (CO2) trong khí quyển ngày càng tăng kể từ cuộc cách mạng công nghiệp. Vì vậy, khi nói về biến đổi khí hậu ngày nay, có nghĩa là nói về biến đổi khí hậu do con người tạo ra. Đây là sự nóng lên của nhiệt độ trung bình Trái đất do hoạt động của con người, chẳng hạn như đốt than, dầu và khí đốt để tạo ra năng lượng, hay nạn phá rừng.
Lầm tưởng 2. Cây hút carbon dioxide, không lo dư thừa carbon dioxide!
Thực vật cần carbon dioxide (CO2) để sống. Thực vật và rừng loại bỏ và hấp thụ một lượng lớn CO2 khỏi khí quyển mỗi năm. Nhưng vấn đề là chúng chỉ có thể hấp thụ một lượng CO2 nhất định và thảm thực vật ngày càng ít đi khi ngày càng có nhiều khu rừng bị chặt phá trên khắp thế giới, do đô thị hóa và sản xuất lương thực.
Hãy hiểu rõ rằng, bản thân CO2 là một phần của hệ sinh thái tự nhiên toàn cầu, CO2 giúp cân bằng nhiệt độ khí quyển, duy trì sự sống vạn vật trên Trái đất. Vấn đề là lượng CO2 mà con người đang tạo ra nhiều quá mức; lượng CO2 quá mức này không có trong khí quyển trong 800.000 năm qua.
Lầm tưởng 3. Biến đổi khí hậu là chuyện xa vời!
Biến đổi khí hậu đang khiến nhiệt độ trung bình bề mặt Trái đất tăng lên. Điều này không chỉ khiến các đợt nắng nóng xảy ra thường xuyên hơn mà còn làm cho các hiện tượng thời tiết cực đoan dễ xảy ra hơn và nghiêm trọng hơn. Chẳng hạn, hiện nay, bạn thấy băng tan, lũ lụt, bão tố, triều cường, hạn hán… diễn ra thường xuyên hơn và mất nhiều thời gian hơn để giảm xuống.
Biến đổi khí hậu là chuyện xa vời! Đây chỉ là cái cớ để né tránh trách nhiệm. Chúng ta đang chứng kiến những tác động tàn khốc của biến đổi khí hậu đối với nguồn cung cấp lương thực, gia tăng di cư, bệnh tật và bất ổn toàn cầu. Điều này sẽ ngày càng tồi tệ hơn và trút gánh nặng lên các thế hệ tương lai, nếu bạn không hành động ngay bây giờ.
Lầm tưởng 4. Năng lượng tái tạo chỉ là kế hoạch kiếm tiền!
Đến giờ, nhiều người vẫn tin rằng sản xuất năng lượng tái tạo rất đắt tiền, nhưng thực tế không đúng! Chi phí để sản xuất năng lượng tái tạo đã giảm nhanh trong nhiều năm qua. Điện mặt trời và điện gió trên bờ là những cách tạo ra điện còn rẻ hơn so với việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Ngay cả quan điểm, điện mặt trời chỉ có thể hoạt động khi có ánh nắng ban ngày và điện gió chỉ có thể hoạt động khi có gió thường xuyên, cũng lầm tưởng nốt. Thực tế, tại nhiều nước trên thế giới, ngành công nghiệp điện đã phát triển các công nghệ mới để lưu trữ điện và quản lý nhu cầu vào thời điểm cao điểm, nghĩa là ngay cả khi mặt trời không chiếu sáng hoặc không có gió mạnh, họ vẫn có thể dựa vào các nguồn năng lượng tái tạo.
Lầm tưởng 5. Sinh vật sẽ thích ứng với biến đổi khí hậu!
Đúng là một số sinh vật có thể thích ứng với biến đổi khí hậu và sẽ tồn tại qua quá trình chọn lọc tự nhiên. Nhưng rõ ràng, không phải tất cả sinh vật đều có khả năng ấy. Chẳng hạn, biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất mà gấu Bắc Cực đang phải đối mặt. Bắc Cực đang nóng lên nhanh hơn khoảng bốn lần so với phần còn lại của thế giới, khiến băng tan sớm hơn và hình thành muộn hơn mỗi năm. Tình trạng này ở một số vùng Bắc Cực làm gấu Bắc Cực đang phải sống sót với ít thức ăn hơn trước đây. Số lượng gấu Bắc Cực được dự đoán sẽ giảm 30% vào giữa thế kỷ này.
Để thích ứng với biến đổi khí hậu, sinh vật có hai lựa chọn: di cư hoặc thích nghi. Với tốc độ biến đổi khí hậu ngày nay và khi môi trường sống bị phá hủy, nhiều loài không thể thích nghi đủ nhanh để theo kịp môi trường thay đổi và việc di chuyển ngày càng trở nên khó khăn. Đối với những sinh vật không thể di cư hoặc thích nghi, cuộc sống tương lai có vẻ không khả quan!