Sơ lược về nhà máy
Tỉnh Fukushima nằm ở vùng Tohoku của Nhật Bản. Diện tích tỉnh Fukushima khoảng 13,783 km2, là tỉnh có diện tích lớn thứ 3/47 tỉnh thành ở Nhật Bản.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, do Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) vận hành, nằm ở thị trấn Okuma, huyện Futaba, tỉnh Fukushima, Nhật Bản. Fukushima I được đưa vào hoạt động năm 1971, bao gồm 6 lò phản ứng, được thiết kế bởi General Electric, công suất 4,7 GW, là một trong 15 nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới thời điểm đó.
Vị trí nhà máy điện Fukushima I ở tỉnh Fukushima
TEPCO còn quản lý, vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima II (có 4 lò phản ứng, công suất mỗi lò 1.100 MW), nằm tại thị trấn Naraha và Tomioka, thuộc huyện Futaba, tỉnh Fukushima; cách nhà máy Fukushima I khoảng 11,5km về phía Nam.
Trận động đất mạnh 9 độ richter ngoài khơi Thái Bình Dương xảy ra vào ngày 11/3/2011, kéo theo đợt sóng thần cực lớn, ập vào nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, gây sự cố cháy, nổ 3 lò phản ứng và rò rỉ phóng xạ.
Sự cố hạt nhân
Thảm họa hạt nhân năm 2011 xảy ra tại Fukushima I, tóm lược như sau:
- Chiều 11/3/2011, trận động đất mạnh 9 độ richter xảy ra ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương, tâm chấn cách vùng Tohoku khoảng 70km, sau đó hình thành một cơn sóng thần cực lớn, tràn vào dọc bờ biển phía Đông Nhật Bản. Sóng thần cao khoảng 15m gây ra sự cố đặc biệt nghiêm trọng tại 3 lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima I.
- Tối 11/3/2011, Chính phủ Nhật Bản ban hành lệnh sơ tán khẩn cấp cho công dân sống cách 3km đến nhà máy điện hạt nhân Fukushima I.
- Sáng sớm 12/3/2011, lệnh sơ tán đối với người dân sống cách Fukushima I bán kính 10km tiếp tục được đưa ra.
- Chiều 12/3/2011, một vụ nổ đã phá hủy tòa nhà chứa lò phản ứng số 1 và làm rò rỉ phóng xạ tại tổ máy số 1 ở Fukushima I.
- Cũng chiều 12/3/2011, lệnh sơ tán cho công dân sống cách 20km với nhà máy Fukushima I tiếp tục được đưa ra.
- Ngày 13/3/2011, Cơ quan năng lượng hạt nhân Nhật Bản thông báo xếp hạng sự cố Fukushima ở mức số 4 theo thang sự cố hạt nhân quốc tế. Hơn 150.000 người được di tản.
- Ngày 14/3/2011, tòa nhà chứa lò phản ứng số 3 của Fukushima I bị nổ.
- Ngày 15/3/2011, lò phản ứng số 4 của Fukushima I cũng bị phát nổ.
- Ngày 11/4/2011, Cơ quan năng lượng hạt nhân Nhật Bản nâng mức sự cố nhà máy điện Fukushima I lên mức 7, mức cao nhất trong thang sự cố hạt nhân quốc tế.
Cuộc tái thiết theo thời gian
Thảm họa hạt nhân này dẫn đến việc phải sơ tán hơn 150.000 người, và có những tác động lâu dài đối với nhiều ngành kinh tế như nông nghiệp, du lịch của tỉnh Fukushima. Những nỗ lực tột bực để kiểm soát tình hình sự cố đã được Chính phủ, các nhà khoa học, TEPCO… khẩn trương tiến hành.
Năm 2011
- Thiết lập hệ thống giám sát bức xạ. Khoảng 3.600 trụ giám sát được thiết lập trong các trường học, công viên, các cơ sở công cộng trên khắp tỉnh Fukushima. Các trạm này hiển thị mức bức xạ tại vị trí đó, tự động truyền dữ liệu thu thập được đến máy chủ, giúp giám sát liên tục 24 giờ hằng ngày.
- Thực hiện công tác khử nhiễm, như: loại bỏ tầng đất trên cùng, làm sạch môi trường, cây cối, thảm thực vật, nhà ở, loại bỏ chất thải ô nhiễm…
- Kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt tất cả thực phẩm, nguồn gốc thực phẩm, nguyên liệu sản xuất nông nghiệp…
- Ngừng hoạt động “lạnh” nhà máy Fukushima I, các lò phản ứng được đưa đến trạng thái ổn định.
Năm 2012
- Ban hành các quy định, tiêu chuẩn cực kỳ nghiêm ngặt về quản lý thực phẩm; kiểm tra tất cả loại gạo được sản xuất, phân phối ở tỉnh Fukushima. Kết quả kiểm tra thực phẩm được công bố trực tuyến.
- Khu vực phải tránh xa ở nhà máy điện Fukushima I được chia lại thành ba khu vực: “Khu vực khó quay trở lại”, “Khu vực chuẩn bị dỡ bỏ lệnh sơ tán”, và “Khu dân cư hạn chế”.
Năm 2014
- Lệnh sơ tán được dỡ bỏ ở một số khu vực. Các lệnh di tản được dỡ bỏ ở Miyakoji (thành phố Tamura), làng Kawauchi. Làng Kawauchi là khu sơ tán đầu tiên cho phép người dân trở về sinh sống.
- Loại bỏ tất cả lõi nhiên liệu đã qua sử dụng từ lò số 4 nhà máy Fukushima I.
Năm 2016
- Thành lập các cơ sở phát triển công nghệ sử dụng trong công tác ngừng hoạt động nhà máy. Trung tâm Phát triển Công nghệ điều khiển từ xa Naraha được xây dựng để phát triển các loại máy móc, thiết bị điều khiển từ xa, sử dụng trong quá trình ngừng hoạt động nhà máy.
- Xây dựng kho tạm thời, để lưu trữ đất và chất thải được loại bỏ trong quá trình khử nhiễm.
Năm 2018
- Hoàn thành tất cả hoạt động khử nhiễm bên ngoài “Khu vực khó quay trở lại”.
- Thêm một số thị trấn được dỡ bỏ lệnh sơ tán như tại làng Litate, thị trấn Namie, thị trấn Tomioka.
- TEPCO công bố quyết định ngừng hoạt động nhà máy Fukushima I.
- Số lượng khách du lịch quốc tế đến Fukushima đã vượt mốc trước năm 2011.
- Bảo tàng về nhà máy điện hạt nhân Fukushima I nằm ở thị trấn Tomioka, ở phía Nam cách nhà máy Fukushima I khoảng 10km được mở cửa. Đây là nơi mọi người có thể tìm hiểu về toàn bộ sự việc liên quan đến sự số, hiện trạng lò phản ứng hạt nhân thông qua hình ảnh tư liệu, tranh ảnh, trưng bày,...
Năm 2019
- Mở cửa lại cơ sở đào tạo bóng đá J-Village.
- Diện tích sơ tán thu hẹp xuống dưới 2,7% diện tích toàn tỉnh.
Năm 2020
- Khôi phục trở lại hoạt động tuyến đường sắt JR Joban vào tháng 3/2020, giúp tăng cường giao thông đi lại từ bờ biển Fukushima tới Tokyo.
Tuyến đường sắt JR Joban qua Fukushima đã hoạt động trở lại
- Tiếp tục hỗ trợ cho những người di tản còn lại trở về nơi sinh sống.
- Fukushima được phân công tổ chức 2 trận đấu ở Olympic 2020. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 nên sự kiện được hoãn đến năm 2021
- Tiếp tục dỡ bỏ nhà máy điện hạt nhân Fukushima I: Tháo dỡ vật liệu, gạch đá, xà bần; di chuyển lõi nhiên liệu đã qua sử dụng từ lò phản ứng hạt nhân; xử lý nguồn nước bị nhiễm xạ. Công việc tháo dỡ nhà máy hiện vẫn được tiến hành cẩn trọng, an toàn, dự kiến sẽ mất khoảng 30 - 40 năm.
Sau sự cố rò rỉ phóng xạ, Fukushima đã chú trọng phát triển năng lượng tái tạo
Fukushima là tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi trận thiên tai năm 2011. Nhờ các nỗ lực trong việc tái thiết hạ tầng để khôi phục hoạt động và đời sống của người dân, hiện nay, ngoại trừ một số khu vực cấm vào thì phần lớn đã được xác định là an toàn. Fukushima đã phát triển trở lại nhờ dòng du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm vẻ đẹp tự nhiên, lịch sử và văn hóa của vùng đất này.