Công ty Envision Energy có trụ sở tại Thượng Hải, đã đưa vào vận hành giai đoạn đầu tiên của nhà máy sản xuất hydro và amoniac xanh lớn nhất thế giới, đặt tại khu công nghiệp Chifeng Net Zero, khu công nghiệp không carbon lớn nhất thế giới, nằm ở Nội Mông, Trung Quốc.

Nhà máy này được cung cấp năng lượng hoàn toàn bằng hệ thống năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió, lưu trữ pin) độc lập, là bước tiến lớn trong lĩnh vực năng lượng sạch và khử carbon trong công nghiệp. Đây cũng là cơ sở đầu tiên thuộc loại này được tích hợp, hỗ trợ bằng AI.

Envision Energy cho biết nhà máy có khả năng sản xuất 320.000 tấn amoniac xanh mỗi năm và việc xuất khẩu ở giai đoạn đầu tiên sẽ bắt đầu từ quý IV/2025. Công ty cho biết thêm, dự án sẽ tiếp tục mở rộng quy mô để sản xuất 1,5 triệu tấn amoniac xanh mỗi năm từ năm 2028.

Nhà máy này đi vào hoạt động trong trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách giảm thiểu carbon trong các ngành công nghiệp có nhiều phát thải và nỗ lực chiếm lĩnh thị trường nhiên liệu sạch đang phát triển.

Trung Quốc đang coi hydro, cùng với các nguồn amoniac, methanol, là một trong những trụ cột chính trong tham vọng năng lượng sạch của mình sau khi thống trị chuỗi cung ứng toàn cầu về xe điện, năng lượng mặt trời và pin.

Tháng 5/2025, Envision Energy ký kết thỏa thuận dài hạn với tập đoàn Marubeni của Nhật Bản để cung cấp amoniac xanh từ dự án Chifeng, đẩy nhanh việc áp dụng sản phẩm này trong các lĩnh vực chủ chốt như phân bón, hóa chất và vận tải biển.

Hydro xanh được sản xuất thông qua quá trình điện phân nước bằng các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Quá trình này không thải ra carbon dioxide, không giống như các phương pháp sản xuất hydro thông thường dựa vào nhiên liệu hóa thạch.

Với nhu cầu cấp thiết chuyển đổi sang năng lượng sạch để chống biến đổi khí hậu, thị trường hydro xanh trên toàn cầu đang mở rộng để đáp ứng nhu cầu đang gia tăng mạnh mẽ, tiềm năng xuất khẩu nhiên liệu này cũng hứa hẹn đáng kể.

Để ngành năng lượng toàn cầu đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050, nhu cầu hydro trên toàn thế giới dự kiến tăng gấp 1,5 lần so với mức hiện tại, đạt khoảng 150 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030, theo Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA).