1. Cáp điện ngầm vượt biển dài nhất thế giới (765 km)
Đó là tuyến cáp điện ngầm Viking Link, kết nối giữa trạm Bicker Fen ở Lincolnshire (Vương quốc Anh) và trạm Revsing ở phía nam Jutland (Đan Mạch). Viking Link có chiều dài 765 km, trong đó có 650 km đặt dưới biển. Viking Link bắt đầu xây dựng vào năm 2020. Phần lắp đặt cáp trên đất liền và dưới biển hoàn thành trong tháng 7/2023. Đây là tuyến cáp ngầm truyền tải dòng điện một chiều điện áp cao (HVDC), có khả năng truyền tải tới 1.400 MW ở điện áp ± 525 kV.
Tháng 8/2023, Viking Link hoàn thành thử nghiệm điện ở mức 735 kV, tức là cao hơn 40% so với điện áp hoạt động danh nghĩa của nó. Viking Link bắt đầu vận hành trong tháng 11 và tháng 12/2023. Hoạt động thương mại dự kiến bắt đầu vào ngày 29/12/2023. Tuy nhiên, công suất bị giới hạn ở 800 MW cho đến khi lưới điện liên kết được hoàn thành ở Đan Mạch vào khoảng năm 2025. Viking Link đã lập kỷ lục là tuyến cáp điện ngầm vượt biển dài nhất thế giới.
2. Turbine gió sản xuất điện cao nhất trong một ngày (384,1 MWh)
Đó là turbine Goldwind GWH252-16MW lắp đặt tại trang trại điện gió Zhangpu Liuao, ở ngoài khơi tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Ngày 1/9/2023, turbine Goldwind GWH252 tạo ra 384,1 MWh trong 24 giờ khi cơn bão Haikui tiến vào phía đông nam Trung Quốc với tốc độ gió khoảng 85 km/h. Kỷ lục trước đó được lập bởi turbine V236-15MW của Đan Mạch, tạo ra 363 MWh trong 24 giờ vào tháng 8/2023.
Turbine Goldwind GWH252-16MW có đường kính cánh quạt 252 mét, diện tích quét khoảng 50.000 m2; trục turbine cao 146 mét, tương đương tòa nhà 50 tầng. Hầu hết turbine gió không thể hoạt động trong điều kiện bão. Tuy nhiên, turbine thông minh GWH252-16MW có thể điều chỉnh cánh quạt theo thời gian thực khi gió đạt tốc độ cao, cho phép nó tiếp tục phát điện.
3. Nhà máy lưu trữ năng lượng nhiệt lớn nhất thế giới (5.907 MWh)
Đó là nhà máy lưu trữ năng lượng nhiệt nằm trong Công viên năng lượng mặt trời Mohammed bin Rashid Al Maktoum ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Nhà máy có công suất 5.907 MWh, khai trương ngày 1/11/2023, được ghi nhận kỷ lục Guiness thế giới. Đây là giai đoạn thứ tư của Công viên năng lượng mặt trời Mohammed bin Rashid Al Maktoum, có công suất 950 MW bao gồm: 600 MW từ tổ hợp parabol, 100 MW từ tháp năng lượng mặt trời tập trung và 250 MW từ các tấm pin điện mặt trời. Tháp năng lượng mặt trời cũng cao nhất thế giới, hơn 263 mét.
Giai đoạn thứ năm của công viên năng lượng mặt trời sẽ bổ sung thêm 900 MW, giai đoạn thứ sáu có kế hoạch bổ sung thêm 1.800 MW. Công viên năng lượng mặt trời Mohammed bin Rashid Al Maktoum dự kiến đạt 5 GW.
4. Khánh thành lò phản ứng nhiệt hạch thử nghiệm lớn nhất thế giới
Ngày 1/12/2023, Nhật Bản khánh thành lò phản ứng nhiệt hạch thử nghiệm JT-60SA, lớn nhất thế giới hiện nay. Đây là dự án hợp tác giữa Liên minh châu Âu và Nhật Bản. Lò phản ứng cao ngang tòa nhà 6 tầng, nằm ở thành phố Naka, phía bắc thủ đô Tokyo, được thiết kế để tạo ra plasma nóng tới 200 triệu độ C. Lò phản ứng nhiệt hạch JT-60SA được xây dựng nhằm kiểm tra tính khả thi sản xuất điện, như một nguồn năng lượng an toàn, có thể triển khai ở quy mô lớn, sản xuất nhiều năng lượng hơn mức tiêu hao và không phát thải khí carbon.
Khác với phản ứng phân hạch (sử dụng trong các nhà máy điện hạt nhân hiện nay), những chuyên gia ủng hộ lò phản ứng nhiệt hạch cho rằng, công nghệ này ít có nguy cơ gây ra sự cố hạt nhân, cũng như tạo ra ít chất thải phóng xạ hơn các nhà máy điện hạt nhân hiện nay. Công nghệ non trẻ này được giới chuyên gia kỳ vọng đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng của con người trong tương lai.
5. Turbine gió lớn nhất thế giới (16 MW)
Tháng 7/2023, Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc thông báo turbine MySE 16-260 công suất 16 MW lắp đặt tại trang trại gió ngoài khơi gần tỉnh Phúc Kiến, chính thức nối vào lưới điện và phát điện. Đây là turbine gió lớn nhất thế giới, do Mingyang Smart Energy (Trung Quốc) sản xuất. Turbine cao 152 mét, mỗi cánh quạt dài 123 mét, đường kính cánh quạt 260 mét, vùng quét của các cánh quạt khi chúng quay bao phủ diện tích hơn 53.000 m2. Đây là lần đầu tiên một turbine lớn như vậy được nối vào lưới điện thương mại.
6. Hiệu suất cao nhất của pin mặt trời song song silicon-perovskite tinh thể (33,9%)
Ngày 3/11/2023, Công ty LONGi Green Energy Technology Co., Ltd., Trung Quốc, thông báo đã lập kỷ lục thế giới mới 33,9% về hiệu suất của pin mặt trời song song silicon-perovskite tinh thể. Kỷ lục thế giới trước đó là 33,7% được thực hiện bởi Đại học Khoa học & Công nghệ King Abdullah (KAUST) vào tháng 5/2023. Theo báo cáo chứng nhận của Phòng thí nghiệm năng lượng tái tạo Hoa Kỳ (NREL), pin mặt trời song song silicon-perovskite tinh thể do LONGi của Trung Quốc phát triển độc lập đã đạt 33,9%, đây là kỷ lục hiệu suất cao nhất hiện nay trên thế giới.
Công nghệ pin song song silicon-perovskite tinh thể mở ra hướng đi mới cho sự phát triển công nghệ pin mặt trời hiệu suất cao thế hệ tiếp theo, vượt qua giới hạn hiệu quả của pin mặt trời đơn silicon tinh thể. Điều này có nghĩa là cùng một khu vực, hấp thụ cùng lượng ánh sáng, có thể phát ra nhiều điện hơn.