Hành trình dài nhất bằng thuyền chạy bằng năng lượng mặt trời
Hành trình dài nhất bằng thuyền chỉ sử dụng năng lượng mặt trời là 32.410 hải lý (60.023 km) do Tûranor PlanetSolar (Thụy Sĩ) thực hiện. Con thuyền đi theo hướng tây, rời Monaco vào ngày 27/9/2010, đi qua kênh đào Panama và trở về Monaco ngày 4/5/2012, sau 1 năm 7 tháng 7 ngày trên biển. Con thuyền được đóng tại Kiel, Đức vào ngày 31/3/2010, sau đó đi đến Hamburg và đến Monaco để bắt đầu chuyến đi. Tûranor PlanetSolar dài 31 mét, rộng 15 mét, được bao phủ trên 500 m2 tấm pin điện mặt trời được nối với hai motor điện ở hai bên thân tàu. Con thuyền chỉ sử dụng năng lượng mặt trời trong chuyến vòng quanh thế giới dù có một động cơ diesel dự phòng, nhưng được niêm phong.
Máy bay đầu tiên bay bằng năng lượng mặt trời
Máy bay đầu tiên sử dụng năng lượng mặt trời là AstroFlight Sunrise. Máy bay điện thử nghiệm không người lái, bay lần đầu tiên vào ngày 4/11/1974 từ Bicycle Lake thuộc Khu bảo tồn quân sự Fort Irwin (Fort Irwin Military Reservation), California, Hoa Kỳ. Máy bay đã thực hiện tổng cộng 28 chuyến bay trước khi bị vỡ do nhiễu động gần đám mây vũ tích.
Chuyến bay đầu tiên vòng quanh thế giới sử dụng năng lượng mặt trời
Solar Impulse 2 là máy bay sử dụng năng lượng mặt trời thử nghiệm tầm xa của Thụy Sĩ. Ngày 9/3/2015, kỹ sư kiêm doanh nhân người Thụy Sĩ André Borschberg và bác sĩ tâm thần người Thụy Sĩ Bertrand Piccard bắt đầu đi vòng quanh thế giới với Solar Impulse 2, khởi hành từ Abu Dhabi ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất. Máy bay Solar Impulse 2 đã ghé qua: Oman, Ấn Độ, Myanmar, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Ai Cập, trước khi quay trở lại Abu Dhabi vào ngày 26/7/2016, sau hơn 16 tháng xuất phát. Solar Impulse 2 hoàn thành vòng quanh trái đất khoảng 42.000 km (26.000 dặm) chỉ bằng năng lượng mặt trời. Trong hành trình, có vài lần máy bay gặp vấn đề về thiết bị, phải dừng lại sửa chữa.
Sân vận động sử dụng năng lượng mặt trời lớn nhất
Sân vận động quốc gia Brasília Mané Garrincha, sức chứa hơn 72.000 người, có công suất lắp đặt hệ thống điện mặt trời là 2.500 kWp, với 9.600 tấm pin điện mặt trời. Sân Mané Garrincha chuyên phục vụ các trận bóng đá, là sân vận động lớn thứ hai ở Brazil (sau sân vận động Maracana ở Rio de Janeiro).
Trang trại điện mặt trời lớn nhất thế giới
Trang trại điện mặt trời Bhadla ở Ấn Độ với tổng công suất 2.245 MW trải rộng trên diện tích gần 57 km2, đi vào hoạt động năm 2020. Tọa lạc tại ngôi làng Bhadla thuộc quận Jodhpur của bang Rajasthan, Ấn Độ, trang trại năng lượng mặt trời Bhadla thuộc loại lớn nhất trên thế giới tính cho đến nay về công suất điện mặt trời.
Kỷ lục về hiệu suất pin mặt trời
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Kỹ thuật Berlin (Đức) đã đạt được kỷ lục thế giới mới về hiệu suất sử dụng pin mặt trời, cho phép thu hoạch nhiều năng lượng hơn từ năng lượng mặt trời. Bước đột phá được công bố vào đầu tháng 12/2020, khi các nhà khoa học sử dụng một vật liệu gọi là perovskite, kết hợp với các tế bào silicon truyền thống để đạt hiệu suất 29,15%. Điều này đánh bại thành tích trước đó là hiệu suất 28%. Silicon hiện là vật liệu tiêu chuẩn cho các tấm pin mặt trời. Nhóm nghiên cứu giải thích, pin mặt trời silicon thông thường chủ yếu chuyển đổi các thành phần hồng ngoại của ánh sáng thành năng lượng điện một cách hiệu quả, trong khi một số hợp chất perovskite nhất định có thể sử dụng hiệu quả các thành phần có thể nhìn thấy của ánh sáng mặt trời, khiến đây là một sự kết hợp mạnh mẽ. Việc sử dụng perovskite và silicon cùng nhau cũng không làm tăng chi phí của các tấm pin mặt trời, điều này thực sự quan trọng khi thế giới mở rộng quy mô sử dụng năng lượng mặt trời.
Trang trại điện mặt trời mô phỏng hình ảnh lớn nhất
Trang trại điện mặt trời mô phỏng hình ảnh một con ngựa đang phi nước đại khi nhìn từ trên cao, rộng khoảng 140 ha, bao gồm 196.320 tấm pin mặt trời. Trang trại năng lượng quang điện được xây dựng trên sa mạc Kubuqi ở khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc, được kết nối với lưới điện vào tháng 12/2018, có thể sản xuất 500kWh/ngày. Thiết kế hình ảnh trang trại lấy cảm hứng từ ngành chăn nuôi ngựa và truyền thống đua ngựa của người dân ở khu vực này.
Con đường bằng tấm pin mặt trời dài nhất thế giới
Con đường sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời đầu tiên trên thế giới, có tên là Wattway, ở thị trấn Tourouvre-au-Perche, vùng Normandy, được mở ra vào tháng 12/2016. Pháp đã chi 5,2 triệu USD cho 0,6 dặm (1 km) đường và 3.000 m2, với 2.800 tấm pin mặt trời. Con đường được xem là con đường năng lượng mặt trời dài nhất thế giới. Nhưng sau 3 năm, đến năm 2019, con đường xuất hiện nhiều vết nứt, hư hỏng và không đạt hiệu quả năng lượng như tính toán ban đầu.