● Georg Simon Ohm (1789 – 1854) là nhà vật lý, toán học người Đức. Năm 1827, Ohm dựa trên những thí nghiệm của mình đã nêu ra định luật về mối quan hệ giữa cường độ dòng điện, hiệu điện thế, điện trở. Định luật mang tên ông đã mở ra những cách phân tích đúng đắn về mạch điện. Tên ông được các nhà khoa học đặt cho đơn vị điện trở, đó là Ohm, để ghi nhớ thành tựu và cống hiến của ông cho khoa học.
● Johann Heinrich Wilhelm Geissler (1814 – 1879) là nhà vật lý người Đức, người đặt nền tảng cho việc phát triển đèn neon. Heinrich Geissler là chuyên gia thổi thủy tinh, ông đã sáng chế ra ống Geissler, là ống thủy tinh chứa khí ở áp suất chân không, có điện cực ở hai đầu. Năm 1857, Geissler thử nghiệm dòng điện phóng qua các loại khí khác nhau để tạo ra ánh sáng trong ống Geissler. Đây là cơ sở phát triển các loại đèn neon, đèn hơi thủy ngân, đèn huỳnh quang sau này.
● Wilhelm Emil Fein (1842 –1898) là nhà phát minh người Đức. Mặc dù thiết bị khoan bằng điện đầu tiên được Arthur James Arnot và William Blanch Brain ở Australia phát minh vào năm 1889. Nhưng Wilhelm Fein là người phát minh ra máy khoan điện cầm tay đầu tiên trên thế giới, năm 1895. Sau đó, máy khoan điện cầm tay cải tiến, tạo ra nhiều loại, nhiều kích cỡ cho những mục đích sử dụng cụ thể.
● Carl Friedrich Benz (1844 – 1929) là kỹ sư người Đức, người tiên phong trong ngành ô tô. Năm 1885, Benz công bố phát minh mang tính đột phá, ô tô chạy bằng xăng đầu tiên trên thế giới. Benz đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho chiếc Benz Patent Motorwagen, ô tô chạy xăng có ba bánh, công suất chỉ 0,75 mã lực, tốc độ tối đa 16 km/h. Dù còn thô sơ và một số hạn chế nhưng chiếc xe này, được xem là nền tảng cho ngành công nghiệp ô tô nổi tiếng của Đức và là phương thức vận tải phổ biến nhất hiện nay.
● Wilhelm Conrad Röntgen (1845 – 1923) là nhà vật lý người Đức, đã nghiên cứu, khám phá ra tia X vào năm 1895. Khám phá này là thay đổi quan trọng trong lĩnh vực y tế, bức xạ có thể xuyên qua mô người nhưng không xuyên qua xương, cho phép nhìn thấy hình ảnh bên trong cơ thể, giúp chẩn đoán nhiều tình trạng bệnh lý với độ chính xác cao. Ngày nay, công nghệ chụp X-quang tiếp tục cải tiến, phát triển. Tia X còn được gọi là “tia Röntgen”, được đặt theo tên nhà khoa học phát minh ra tia X. Wilhelm Conrad Röntgen được giải Nobel Vật lý năm 1901.
● Heinrich Rudolf Hertz (1857 – 1894) là nhà khoa học người Đức, người đầu tiên chứng minh sự tồn tại của sóng điện từ. Từ năm 1885 đến 1889, Heinrich Hertz thực hiện một loạt thí nghiệm sử dụng điện trường và từ trường để tạo ra các sóng điện từ có thể đo được. Ông chứng minh rằng, vận tốc của sóng điện từ bằng tốc độ ánh sáng; sóng điện từ có thể truyền trong không khí. Kết quả của ông được công bố năm 1887, nhanh chóng được cộng đồng khoa học chấp nhận. Tên ông được đặt cho đơn vị đo tần số Hertz (Hz) được xác lập năm 1930.
● Rudolf Christian Karl Diesel (1858 – 1913) là nhà phát minh và kỹ sư người Đức. Động cơ diesel được phát minh bởi Rudolf Diesel, công bố năm 1896. Đây là động lực chính của cuộc cách mạng công nghiệp Đức và ngày nay vẫn là một phần thiết yếu của nhiều ngành công nghiệp, từ vận tải đến xây dựng. Tên của ông sau này được đặt cho một loại động cơ (động cơ diesel) và một loại nhiên liệu (dầu diesel).
● Albert Einstein (1879 – 1955) là nhà vật lý lý thuyết người Mỹ gốc Đức, một trong những nhà vật lý vĩ đại nhất mọi thời đại. Albert Einstein được xem là cha đẻ của thuyết tương đối đặc biệt và thuyết tương đối rộng, sự tương đồng khối lượng - năng lượng và hiệu ứng quang điện trong vật lý,... Năm 1921, ông nhận giải Nobel Vật lý vì “những đóng góp cho vật lý lý thuyết”, đặc biệt là khám phá của ông về định luật hiệu ứng quang điện, một bước then chốt trong sự phát triển của lý thuyết lượng tử.
● Oskar Barnack (1879 – 1936) là nhà phát minh và nhiếp ảnh gia người Đức. Năm 1913, ông chế tạo chiếc máy ảnh tĩnh 35mm thành công về mặt thương mại đầu tiên, tại nhà máy Leitz ở Wetzlar. Năm 1924, chiếc máy ảnh này được đặt tên là Leica, viết tắt của Leitz Camera. Phát minh của Barnack cho phép ghi lại những khoảnh khắc và lưu giữ về sau. Ngày nay, các công ty công nghệ tiếp tục cải tiến kỹ thuật nhiếp ảnh, cũng như tích hợp ống kính vào những chiếc điện thoại thông minh.
● Christian Hülsmeyer (1881 – 1957) là nhà phát minh, nhà vật lý và doanh nhân người Đức. Ông được ghi nhận là người phát minh ra radar vào năm 1904. Hülsmeyer thiết kế, chế tạo một thiết bị có khả năng phát hiện các vật thể bằng tín hiệu điện từ dựa trên sự phản xạ của sóng điện từ tần số cao. Cuộc thử nghiệm tiến hành trên sông Rhine ở Cologne, giúp phát hiện các vật thể di chuyển ở xa, như tàu thủy, ngay cả trong sương mù và bóng tối. Hülsmeyer được cấp bằng sáng chế đầu tiên về phát minh ra radar.
● Hans Wilhelm Geiger (1882 – 1945) là nhà vật lý hạt nhân người Đức. Phát minh quan trọng nhất của Hans Geiger là máy đo Geiger (còn được gọi máy đo Geiger-Müller) trong giai đoạn năm 1908 - 1912. Đây là máy dò bức xạ ion hóa (bao gồm tia gamma và tia X). Năm 1928, Geiger và Walther Müller cải tiến độ nhạy, hiệu suất và độ bền của máy đếm Geiger-Müller, giúp phát hiện không chỉ các hạt alpha mà cả các hạt beta (electron) và các photon điện từ ion hóa.
● Karl Leo (sinh ngày 10/7/1960) là nhà vật lý người Đức. Năm 1998, Giáo sư vật lý Karl Leo và nhóm của ông đã phát triển ra công nghệ diode phát sáng hữu cơ (OLED). Hiện nay, công nghệ OLED được sử dụng trong nhiều tivi và màn hình điện thoại thông minh trên thế giới. Công nghệ OLED tiết kiệm năng lượng hơn nhiều so với màn hình thông thường và có độ phân giải màu tốt hơn.