1. Edward H. Johnson, đồng nghiệp của nhà phát minh nổi tiếng Thomas Edison, được xem là cha đẻ của đèn điện trang trí trên cây thông Giáng sinh. Năm 1882 tại nhà riêng ở thành phố New York (Mỹ), Edward Johnson đã kết lại và treo 80 bóng đèn sợi đốt màu đỏ, trắng, xanh có kích thước bằng quả óc chó, quanh cây thông Noel trong nhà của mình. Hình ảnh ánh đèn lấp lánh liên tục đã gây ấn tượng, mê hoặc những người đi đường ngang qua nhà của Edward Johnson.

Ảnh: Unsplash

2. Tổng thống thứ 24 của Mỹ, Grover Cleveland là người yêu cầu trang trí đèn điện lần đầu tiên trên cây thông Giáng sinh trong Nhà Trắng vào năm 1894 (có tài liệu ghi năm 1895). Sự kiện này trở thành câu chuyện nổi bật năm đó và tạo cảm hứng cho mọi người về việc trang trí đèn Giáng sinh bằng điện về sau này. Trước đó, Nhà Trắng trang trí cây thông bằng nến.

3. Thị trấn Shijiao, Quảng Đông (Trung Quốc) được xem là “thủ phủ tái chế đèn Giáng sinh của thế giới". Khu vực này bắt đầu nhập khẩu đèn loại bỏ vào khoảng năm 1990. Hằng năm, khoảng 20 triệu pounds (khoảng 9 triệu kg) đèn Giáng sinh bị vỡ hoặc không còn hoạt động, được vận chuyển đến đây, nơi chúng được phân loại thành các vật liệu khác nhau và tái chế thành các sản phẩm mới, như đế dép.

4. Lươn điện thắp sáng cây Giáng sinh! Năm 2010, một thủy cung ở Tokyo (Nhật Bản) khiến người xem ngạc nhiên khi dùng một con lươn điện từ Amazon, đã được nuôi 5 năm, để cung cấp năng lượng cho đèn trang trí cây thông Giáng sinh. Mỗi khi con lươn điện di chuyển có thể tạo ra tới 800W điện; thủy cung có một màn hình đặc biệt, hai tấm nhôm thu thập đủ điện để thắp sáng cây thông cao 2 mét gần đó!

5. Đèn trang trí nhấp nháy lần đầu tiên được giới thiệu vào những năm 1920. Một bộ điều chỉnh nhiệt đơn giản gắn trong bóng đèn sẽ điều khiển kiểu bật - tắt thú vị này, cho phép ánh sáng xuất hiện nhấp nháy lặp đi lặp lại theo chu kỳ.

6. Kỷ lục thế giới về số lượng đèn nhiều nhất thắp sáng cùng lúc trên cây thông Giáng sinh nhân tạo thuộc về công viên giải trí Universal Studios Japan, ở Osaka, thiết lập vào tháng 11 năm 2022. Màn trình diễn trang trí Giáng sinh bắt mắt này chứa 612.000 chiếc đèn.

Ảnh: Unsplash

7. Không được để đèn Giáng sinh quá lâu. Bạn có thể thấy đèn Giáng sinh được thắp sáng không chỉ trong nhà mà còn trên đường phố, làm cho không khí Giáng sinh thêm phần sôi động. Nhưng ở một số nơi, chúng không thể để quá lâu. Chẳng hạn, ở San Diego (bang California, Mỹ), nếu đèn trang trí vẫn sáng sau ngày 2/2; hoặc ở Aurora (bang Illinois, Mỹ) nếu để đèn sáng sau ngày 25/2, cư dân có thể bị phạt một số tiền.

8. Đèn trang trí vào dịp lễ của nước Mỹ chiếm khoảng 6% toàn bộ năng lượng tiêu thụ của quốc gia này vào tháng 12. Theo các nhà nghiên cứu, đèn trang trí Giáng sinh trên cây thông Noel, mái nhà, hang đá, văn phòng, công viên, gia đình... ở Mỹ sử dụng nhiều điện hơn mức tiêu thụ điện hằng năm của các nước như Ethiopia, El Salvador! Nước Mỹ sử dụng trung bình 6,63 tỉ kWh mỗi năm cho đèn Giáng sinh, cao hơn mức trung bình 5,35 tỉ kWh của El Salvador và mức trung bình 5,30 tỉ kWh của Ethopia trong cả năm.

9. Năm 1973, Tổng thống Mỹ Nixon đã yêu cầu người dân Mỹ không thắp đèn Giáng sinh để tiết kiệm năng lượng. Điều này do tình trạng thiếu dầu bởi lệnh cấm vận của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ Ả Rập (sau này là OPEC) đối với Mỹ. Năm đó, người dân Mỹ ít trang trí đèn Giáng sinh hẳn.

10. Paris được mệnh danh là kinh đô ánh sáng của thế giới, bởi việc trang trí đèn Giáng sinh rất quy mô, lộng lẫy như tạo ra bầu không khí lễ hội. Đèn Giáng sinh thường được thắp sáng từ giữa tháng 11 đến đầu tháng 1 năm sau. Trang trí đèn Giáng sinh ở Paris còn được gọi là lễ hội ánh sáng Paris.