Theo các chuyên gia điện lạnh, chọn vị trí để lắp đặt tủ lạnh là một phần quan trọng để không gây hỏng hóc các bộ phận và làm giảm tuổi thọ của tủ lạnh. Nhiều gia đình thường thấy chỗ nào đặt được là đặt chứ không để ý các yếu tố tác động, ảnh hưởng đến hoạt động của tủ lạnh. Bạn cần chú ý:

Đặt vị trí bằng phẳng

Khi xê dịch tủ phải giữ thẳng đứng. Nhớ đặt máy ổn định ở một nơi bằng phẳng để sau này khi nó hoạt động không bị rung lắc. Đặt yên tủ lạnh, sau 2 giờ mới bắt đầu cắm điện cho vận hành. Lúc cắm điện nên để yên trong vòng ít nhất 30 phút (thời gian an toàn). Như vậy để tránh chuyện tủ bị ngẹt, không lạnh.

Không đặt nơi ẩm thấp

Bạn nên tránh lắp đặt tủ lạnh ở những vị trí ẩm thấp, nơi rửa bát để tránh sự ăn mòn cũng như hiện tượng hơi nước làm cho rỉ sét các linh kiện ở phía sau. Môi trường ẩm thấp sẽ khiến tủ lạnh nhanh hư hỏng, nhất là phần mạch điện dễ bị chạm chập.

Ngoài ra, khi để tủ lạnh nơi ẩm thấp, đây cũng là nơi chuột, gián có thể thường xuyên ẩn nấp, khiến chúng dễ dàng cắn nát dây điện và các linh kiện của tủ lạnh, tiềm ẩn nguy hiểm.

Không đặt nơi có ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp

Một vấn đề nữa khi chọn vị trí đặt tủ lạnh, chính là tránh những nơi có ánh nắng trực tiếp từ mặt trời. Vì khi đó, sẽ khiến tủ lạnh luôn trong tình trạng nóng ran, ảnh hưởng không nhỏ tới độ bền của tủ lạnh.

Do đó, người tiêu dùng nên đặt tủ lạnh ở nơi thoáng mát, để sự chênh lệch nhiệt độ giữa bên trong và bên ngoài không lớn, điều đó sẽ giúp tủ lạnh tiêu thụ điện năng ít nhất.

Không đặt gần bếp nấu nướng.

Nhiều người cho rằng đặt tủ lạnh gần bếp là tiện lợi nhưng đây chính là cách sử dụng tủ lạnh sai lầm, chỉ khiến cho thiết bị trở nên “nóng nực” hơn.

Bạn nên tránh đặt tủ lạnh ở gần lò sưởi, thiết bị tản nhiệt, các loại bếp nấu nướng... Khi để gần bếp gas, khí gas có thể rò rỉ và khi tiếp xúc với tủ lạnh thì nó sẽ bắt lửa, gây nguy hiểm. Ngoài ra, khói và nhiệt độ cao phát ra từ bếp nấu sẽ khiến chế độ làm mát của tủ lạnh bị ảnh hưởng, khiến tuổi thọ của tủ lạnh giảm đi.

Không đặt quá sát tường

Không nên để mặt sau của tủ lạnh quá sát tường, cách ít nhất từ 10-15 cm trở lên để tạo sự thông thoáng, đảm bảo lưu thông không khí làm mát dàn lạnh.

Do được thiết kế giàn nóng chìm trong tủ nên khả năng giải nhiệt của tủ lạnh bị hạn chế. Cho nên, những bề mặt xung quanh của tủ khi chạy thì sẽ phát ra hơi nóng. Những bề mặt này không được che đậy, cũng như quá áp sát tường gây kém giải nhiệt.

Tuyệt đối không dùng vải che kín tủ. Xung quanh tủ lạnh cần phải có không gian thông thoáng để đảm bảo thoát nhiệt cho tủ lạnh. Việc này không chỉ giúp tản nhiệt cho tủ lạnh mà còn giúp tủ lạnh vận hành một cách ổn định, kéo dài tuổi thọ và tiết kiệm điện.