Năng lượng mặt trời đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi năng lượng sạch, hướng tới tương lai ít carbon. Tuy nhiên, trong khi các trang trại điện mặt trời giúp giảm phát thải khí nhà kính, một nghiên cứu mới cho thấy các trang trại này có thể gây ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, đặc biệt đối với các loài chim và dơi.
Nghiên cứu của Giáo sư Trish Fleming, nhà sinh thái học về động vật hoang dã, tại Đại học Murdoch ở Australia, cho thấy các tấm pin mặt trời mang lại lợi ích cho môi trường, nhưng chúng cũng đặt ra những thách thức đặc thù đối với động vật hoang dã, cần giải quyết để đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng thực sự bền vững.
Nghiên cứu mới này do Viện Harry Butler thực hiện với sự tài trợ của Fortescue Metals Group, phát hiện các bề mặt rộng lớn, phẳng lì ở các trang trại điện mặt trời trông giống như hồ nước đối với các loài chim, làm ảnh hưởng đến quá trình di cư tự nhiên của chúng theo cách không ngờ tới.
Giáo sư Fleming cho biết, ánh sáng phản chiếu từ các tấm pin mặt trời mô phỏng hình dạng của các vùng nước, khiến các loài chim di cư bị nhầm lẫn và dẫn chúng đi chệch hướng. Hiện tượng này, được gọi là ô nhiễm ánh sáng phân cực, cũng có thể thu hút côn trùng, vô tình tạo ra bãi kiếm ăn mới cho chim và dơi, làm tăng nguy cơ va chạm.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Fleming, đây không phải là lựa chọn khó khăn giữa năng lượng sạch và bảo tồn sinh học, chúng ta vẫn có thể có cả hai. Khí thải nhà kính (GHS) vẫn được giảm thiểu mà không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. Thêm lớp phủ nano có thể thay đổi cách ánh sáng phản xạ, giúp các tấm pin ít gây ảnh hưởng đến thị giác của chim hơn.
Nghiên cứu kêu gọi các nhà quy hoạch, các nhà phát triển áp dụng các phương pháp và công nghệ thiết kế trang trại điện mặt trời thân thiện với động vật hoang dã để bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời vẫn đảm bảo năng lượng mặt trời là giải pháp thực sự bền vững.
Mặc dù lắp đặt hàng rào xung quanh trang trại điện mặt trời nhằm mục đích bảo vệ cơ sở hạ tầng, nhưng nó có thể gây thương tích, chết đói, tăng nguy cơ bị săn mồi và tử vong cho các loài di cư. Nó cũng có thể phá vỡ mô hình làm tổ và kiếm ăn của động vật.
Nghiên cứu trích dẫn một nhà máy điện mặt trời ở Nevada, Hoa Kỳ, cung cấp mô hình thiết kế trang trại mặt trời thân thiện với thực vật bản địa và động vật hoang dã. Các lỗ hổng để lại trên hàng rào để động vật sa mạc có thể đi qua một cách tự do. Việc theo dõi ban đầu cho thấy động vật sử dụng các lỗ hổng này, cho thấy thiết kế chu đáo có thể giảm thiểu tác hại sinh thái.