Công ty khởi nghiệp SorbiForce, Ucraina có bước đột phá lớn khi tạo ra loại pin bền vững đầu tiên trên thế giới bằng bốn thành phần chính: carbon, nước, muối và chất thải nông nghiệp. SorbiForce đã thành lập công ty có trụ sở tại Arizona, Hoa Kỳ, ngoài trụ sở tại Ucraina của họ.
Nhóm nghiên cứu nảy ra ý tưởng này sau khi nhận ra nông nghiệp tạo ra tới 2,1 tỉ tấn chất thải mỗi năm. Hơn nữa, các phương pháp tái chế pin thông thường còn hạn chế và thường nguy hiểm, làm tăng nhu cầu cấp thiết về các giải pháp lưu trữ năng lượng an toàn và bền vững hơn.
Sau nhiều năm nghiên cứu, nhóm phát triển pin hấp thụ, sử dụng ba quy trình vật lý, thay vì hóa học, để vận chuyển electron từ cực âm sang cực dương, thông qua lớp carbon siêu xốp ở lõi. Theo nhóm nghiên cứu, vì cả hai điện cực đều làm bằng carbon nên pin hoàn toàn không bắt lửa.
Điều thú vị về công nghệ này là vật liệu carbon siêu xốp thực sự trở nên tốt hơn theo thời gian. Tuổi thọ của pin có thể lên tới 30 năm, miễn là bạn có thể thêm nhiều nước hơn. Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là khi hết vòng đời, 95% pin có thể bị phân hủy thành vật liệu hữu cơ, các thành phần còn lại sau đó có thể tái sử dụng.
Ngoài ra, không giống như pin lithium-ion, thường trở thành chất thải nhựa độc hại hoặc gây nguy hiểm khi tái chế, pin SorbiForce không có nguy cơ nổ, mất kiểm soát nhiệt hoặc rò rỉ chất độc hại, nhờ thành phần hóa học không chứa kim loại và thiết kế vòng kín, ngay cả khi bị cắt đôi.
Với tuổi thọ hơn 6.000 chu kỳ và khả năng xếp chồng các module, nhóm nghiên cứu cho biết việc chuyển từ dự án thí điểm sang sản xuất quy mô lớn chỉ đơn giản là vấn đề học hỏi, vì nhu cầu đã có sẵn. SorbiForce có kế hoạch bắt đầu tung ra những viên pin đầu tiên vào cuối năm nay thông qua đợt bán hàng đầu tiên.