Đó là Albania, quốc gia tại Đông Nam Âu, diện tích đất liền khoảng 28.748 km2, dân số 2,8 triệu người. Với địa hình đồi núi và nguồn nước dồi dào, Albania có nhiều nhà máy thủy điện với hồ chứa lớn, phần lớn tập trung dọc theo sông Drin.

Với hơn 95% công suất phát điện từ thủy điện, Albania là một trong số ít quốc gia trên thế giới có toàn bộ sản lượng điện sản xuất đều từ thủy điện. Điều này giúp Albania là quốc gia đi đầu trong việc sử dụng năng lượng tái tạo ở khu vực tây Balkan. Phần còn lại từ các nguồn khác như năng lượng mặt trời, dầu thô. Albania không sử dụng than trong sản xuất điện.

Năm 2021, thủy điện là nguồn phát điện lớn nhất ở Albania, chiếm gần 100% tổng sản lượng điện. Tổng sản lượng điện ở Albania năm 2021 là 8.962 GWh.

Năm 2022, sản lượng điện ròng trong nước của Albania giảm xuống còn 7.002 GWh. Trong đó, sản lượng thủy điện đạt khoảng 6.960 GWh năm 2022, thấp hơn so với năm 2021 là 8,890 GWh. Trong khi đó, tổng mức tiêu thụ là 7.924 GWh. Điều này khiến Albania phải nhập khẩu khoảng 922 GWh để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Năm 2023, sản lượng điện ở Albania đạt gần 8.796 GWh. Tính đến cuối năm 2023, công suất lắp đặt sản xuất điện ở Albania đạt 2.675 MW. Tiêu thụ điện giảm nhẹ xuống còn 7.875 GWh. Điều này khiến xuất khẩu điện của Albania ở mức thặng dư 920 GWh.

Sự phụ thuộc năng lượng của Albania vào một nguồn thủy điện duy nhất khiến hệ thống năng lượng của nước này dễ gặp một số yếu tố rủi ro. Albania có nhiều tiềm năng về thủy điện, nhưng quyết định xây thêm nhiều đập không phải là điều dễ dàng vì đất nước này vẫn cố gắng bảo vệ vẻ đẹp tự nhiên của mình.

Thủy điện, tuy được coi là nguồn năng lượng xanh, nhưng lại phụ thuộc vào tình hình thời tiết. Các chuyên gia ước tính biến đổi khí hậu sẽ làm giảm công suất của các nhà máy thủy điện Albania từ 15 - 20% vào năm 2050. Hơn nữa, cơ cấu sản xuất trong nước không phải lúc nào cũng phù hợp với cơ cấu tiêu thụ. Nhu cầu điện ở Albania thường cao điểm vào mùa xuân và mùa hè, chủ yếu do du lịch, trong khi vào mùa hè, hạn hán ngày càng tăng, lượng mưa thấp khiến nước ở các hồ thủy điện ít hơn.

Sự phụ thuộc quá mức vào thủy điện kéo dài hàng thập kỷ còn dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng về môi trường và xã hội, chủ yếu là do xây dựng và vận hành thủy điện, gây xói mòn đất và mất rừng, hoặc gây thiếu nước cho người dân.

Để khắc phục một số rủi ro từ thủy điện, Albania đang cố gắng đa dạng hóa các nguồn sản xuất điện. Albania có vị trí địa lý thuận lợi với khoảng 2.500 - 2.700 giờ nắng mỗi năm nên có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng mặt trời; các vùng đất thấp ven biển và vùng núi phía nam, phía đông, phía bắc Albania là những khu vực thuận lợi cho turbine gió. Tuy nhiên, chỉ mới có một vài nhà máy điện mặt trời đi vào hoạt động (như nhà máy điện mặt trời Karavasta công suất 140 MW hoàn thành cuối năm 2023, nhà máy điện mặt trời nổi tại hồ chứa của thủy điện Banja), còn các dự án điện gió, điện địa nhiệt chỉ mới dừng ở mức nghiên cứu, chưa có dự án nào được triển khai.