Robot tự động này có tên CARMA II, được trang bị máy quét laser, camera kép độ sâu 3D, máy dò bức xạ alpha, beta, gamma. Các cảm biến tích hợp cho phép robot tạo ra bản đồ nhiệt về mức độ bức xạ, cung cấp thông tin chi tiết theo thời gian thực về mức độ ô nhiễm phóng xạ.
Hệ thống robot này tự động điều hướng trong môi trường hạt nhân. Dữ liệu quan trọng thu thập được từ CARMA II, sau đó được chia sẻ và diễn giải bởi các chuyên gia vật lý y tế.
Công nghệ tiên tiến này đã chứng minh khả năng ấn tượng của mình trong các thử nghiệm tại địa điểm hạt nhân Sellafield ở Cumbria, Anh đánh dấu bước tiến đáng kể trong việc bảo vệ người lao động khỏi nguy cơ tiếp xúc với ô nhiễm phóng xạ nguy hiểm.
Bằng cách so sánh dữ liệu từ các khu vực có mức phóng xạ thấp và mức phóng xạ cao đã biết, hệ thống robot chứng minh được hiệu quả trong việc phát hiện và lập bản đồ ô nhiễm phóng xạ một cách chính xác.
CARMA II được phát triển thông qua hợp tác giữa Đại học Manchester, Robotics and AI Collaboration (RAICo) và Ice Nine Robotics, tích hợp công nghệ tiên tiến, nhằm thúc đẩy việc giám sát bức xạ an toàn hơn và ít tốn thời gian hơn.
Thông thường, các cuộc khảo sát bức xạ được tiến hành thủ công, nhân viên dùng máy quét cầm tay, vừa tốn nhiều công sức, vừa có khả năng gây nguy hiểm. Ngược lại, CARMA II tự động hóa quy trình này, cung cấp khả năng giám sát bức xạ chi tiết hơn, an toàn hơn, giảm thiểu rủi ro các nguy hiểm.
Những thử nghiệm thành công này đưa CARMA II trở thành giải pháp khả thi cho các kế hoạch tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân đã ngừng hoạt động, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn theo quy định.
Sau các thử nghiệm thành công tại Sellafield, nhóm nghiên cứu đang thực hiện những điều chỉnh nhỏ đối với CARMA II để chuẩn bị cơ sở cho việc thương mại hóa và triển khai rộng rãi hơn.