Inverter là gì?

Inverter (bộ biến tần) là thiết bị điện hay mạch điện, thực hiện chuyển đổi điện áp một chiều (DC) thành điện áp xoay chiều (AC), rất hữu ích trong việc cấp nguồn cho các thiết bị điện tử, điện máy, điện lạnh ở nguồn điện xoay chiều.

Công nghệ này có thể kiểm soát công suất của thiết bị, nhằm tránh hao phí năng lượng, từ đó tiết kiệm điện năng tiêu thụ từ 20 - 50% so với các dòng sản phẩm thông thường.

Các ứng dụng

Inverter có khá nhiều ứng dụng, từ các thiết bị điện tử trong gia đình như tủ lạnh, máy điều hòa không khí (máy lạnh), máy giặt, lò vi sóng, nồi cơm điện... đến hệ thống lưới điện lớn.

Inverter cũng được sử dụng với công suất nhỏ, từ vài watt đến vài chục watt như chấn lưu điện tử (tăng phô) cho đèn huỳnh quang...

Inverter là thành phần không thể thiếu của hệ thống điện mặt trời, điện gió, điện thủy triều,... Nó là phương tiện chuyển đổi các nguồn điện năng nói trên có đặc điểm là công suất và điện áp không ổn định, sang điện xoay chiều và hòa lên lưới điện.

● Máy lạnh inverter

Máy lạnh inverter sử dụng hệ thống máy nén được điều khiển với khả năng điều tiết độ lạnh trong phòng thông qua bộ mạch điện tử. Nó sẽ điều chỉnh độ lạnh theo nhiệt độ bạn cài đặt cho phòng và điều chỉnh các quy trình của nó dựa trên những gì bộ điều nhiệt cảm nhận được.

Nhờ tính linh hoạt này, khả năng điều chỉnh, kiểm soát tốc độ của máy nén, nên máy lạnh inverter hạn chế tiêu thụ năng lượng, giúp bạn tiết kiệm hóa đơn tiền điện hằng tháng.

Đây chính là điểm khác biệt lớn nhất của máy lạnh inverter và máy lạnh thường. Máy lạnh thường khi đạt được nhiệt độ cài đặt sẽ tắt động cơ, sau đó sẽ khởi động lại từ đầu nếu muốn làm lạnh tiếp, gây hao phí điện và hiệu quả làm lạnh không tốt trong suốt quá trình sử dụng.

Chính vì lý do không phải tắt/mở động cơ liên tục mà máy lạnh inverter giúp tiết kiệm điện năng (theo thống kê máy lạnh inverter có thể tiết kiệm 30 - 50% điện năng). Cũng do không ngừng hẳn động cơ mà chỉ hoạt động chậm lại, nên máy lạnh inverter giúp duy trì nhiệt độ phòng ổn định.

Ngoài ra, vì sử dụng ít điện năng hơn, máy lạnh inverter sẽ êm hơn nhiều so với máy lạnh thường, giảm tiếng ồn, khá thân thiện với môi trường.

Nhược điểm của máy lạnh inverter là đắt tiền hơn nhiều so với máy lạnh thường. Nhưng nếu bạn sử dụng máy lạnh inverter lâu dài, bạn sẽ tiết kiệm tiền điện nhiều hơn so với sử dụng máy lạnh không inverter. Chưa kể, độ bền, tuổi thọ của máy lạnh inverter dài hơn so với các thiết bị không inverter.

● Tủ lạnh inverter

Với tủ lạnh, máy nén cũng có vai trò quan trọng trong quá trình làm lạnh và cần tiêu tốn nhiều điện năng để hoạt động.

Tủ lạnh inverter kiểm soát nhiệt độ tốt hơn, làm lạnh chính xác nhờ các cơ chế thông minh của công nghệ inverter. Tốc độ của máy nén thay đổi tùy theo tải thực phẩm (nhiều hay ít) trong tủ lạnh, nhiệt độ bên ngoài. Nó cũng nhận biết sự thay đổi nhiệt độ qua cài đặt bộ điều nhiệt.

Ví dụ, khi bạn mở tủ lạnh để cho thực phẩm vào hoặc lấy ra. Trong tình huống này, bạn có thể để cửa mở trong một thời gian dài. Máy nén sẽ cảm nhận được sự thay đổi của nhiệt độ và bắt đầu làm việc với tốc độ cao hơn. Tức là để bù lại lượng hơi lạnh thất thoát mà không tốn điện cho việc làm lạnh quá mức.

Tủ lạnh inverter có tiếng ồn và độ rung thấp. Tủ lạnh thường phát ra tiếng ồn lớn do máy nén thường chạy ở tốc độ cao. Còn máy nén inverter chuyển đổi giữa các tốc độ một cách trơn tru, giảm tiếng ồn.

Vì máy nén inverter không khởi động ở tốc độ tối đa hoặc tắt đột ngột, nên sự hao mòn và hư hỏng sẽ ít hơn nhiều. Mọi quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ và không đòi hỏi năng lượng cao, sẽ kéo dài tuổi thọ hơn.

Cũng nhờ tính linh hoạt, thay đổi tốc độ của máy nén, điều này giúp tủ lạnh inverter tiết kiệm điện năng đến 40% so với tủ lạnh thông thường.

● Máy giặt inverter

Máy giặt thông thường luôn chạy với cùng một tốc độ, bất kể tải (quần áo) bên trong máy. Do đó, nó luôn tiêu thụ một lượng điện năng như nhau, ngay cả khi có tải thấp đáng kể bên trong máy.

Trong khi đó, công nghệ inverter hoạt động bằng các cảm biến phát hiện tải trọng trong máy giặt, giúp máy giặt chạy với tốc độ tối ưu, dựa trên tải bên trong lồng máy giặt, giúp tránh lãng phí điện năng và tiết kiệm điện.

Máy giặt điển hình thông thường có nhiều bộ phận chuyển động, như bánh răng, dây đai, động cơ... Chúng tạo ra nhiều ma sát khi làm việc cùng nhau. Kết quả là nó tiêu tốn nhiều điện năng, tạo ra nhiều tiếng ồn hơn.

Động cơ của máy giặt inverter nặng hơn, là loại động cơ được kết nối trực tiếp với lồng giặt của máy giặt mà không cần sử dụng ròng rọc, dây curoa,… Vì vậy, trong trường hợp này, ma sát là rất nhỏ. Nhờ đó, nó giảm đáng kể cả tiếng ồn và điện năng tiêu thụ.

Ngoài ra, những động cơ này không có các bộ phận chuyển động như bánh răng, trục và dây đai. Do đó, chúng yêu cầu bảo trì ít hơn. Điều đó giải thích tại sao các nhà sản xuất tăng thời gian bảo hành cho các máy giặt inverter như vậy.

● Nồi cơm điện inverter

Công nghệ inverter được tích hợp vào sản phẩm nồi cơm điện sẽ giúp tự động điều chỉnh, kiểm soát nhiệt độ trong nồi phù hợp cho từng quá trình nấu (ngâm - nấu - hâm), giúp cho hạt gạo nở đều, không bị vỡ hạt, cơm chín ngon.

Bên cạnh đó, công nghệ inverter giúp tiết kiệm từ 30 - 50% điện năng tiêu thụ so với thiết bị thông thường không sử dụng inverter. Các sản phẩm nồi cơm điện áp dụng công nghệ Inverter thường có nhiều tính năng, hoạt động ổn định, độ bền cao.

Công nghệ inverter thường kết hợp công nghệ nấu IH (Induction Heating - đốt nóng cảm ứng nhiệt) trong các nồi cơm điện cao tần. Nhờ vào đó, bạn sẽ không cần để ý tăng giảm nhiệt độ thường xuyên mà vẫn có được nồi cơm ngon.

● Lò vi sóng inverter

Công nghệ inverter trên lò vi sóng có tính năng kiểm soát công suất, giúp nâng cao hiệu suất hâm, nấu thức ăn nhanh hơn, nhiệt độ được phân bổ đều giúp thức ăn chín đều. Lò vi sóng inverter có thể tiết kiệm điện đến 40% và không gây tiếng ồn khi hoạt động so với lò vi sóng thông thường.

Khi hoạt động, nhờ ứng dụng công nghệ inverter, năng lượng phát ra từ lò vi sóng được duy trì ổn định và không thay đổi đột ngột như các lò vi sóng thông thường giúp hâm, nấu thức ăn nhanh hơn.

Nhờ đó, thực phẩm vẫn giữ được cấu trúc vốn có, các vitamin, khoáng chất, chất xơ, và các chất dinh dưỡng được giữ lại gần như nguyên vẹn.