Theo số liệu trên trang web The World Counts, lượng rác thải điện tử được xử lý năm 2024 là hơn 50 triệu tấn. Trong số đó, 76% đến từ các thiết bị có dây nguồn như máy rửa chén, máy điều hòa không khí… Kết quả là rất nhiều dây nguồn được thải ra môi trường, vừa làm tăng ô nhiễm, vừa lãng phí nguồn tài nguyên quý giá là đồng.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Sophia ở Nhật Bản và Đại học Pavia ở Italia, giới thiệu phương pháp mới, sử dụng vi sóng và nguyên lý khoa học về nhiệt phân để giải quyết vấn đề. Nhiệt phân là quá trình sử dụng nhiệt độ cao để biến chất rắn thành khí và cặn rắn. Quá trình này thường diễn ra trong môi trường trơ ​​hoặc không có oxy.

Trong nghiên cứu của mình, các nhà nghiên cứu thực hiện với các đoạn dài khác nhau của cáp VVF, loại dây điện thường thấy trong dây nguồn. Cáp VVF thường được sử dụng làm cáp điện trong nhà và tòa nhà, có giá trị tái sử dụng cao trong rác thải điện tử.

Cáp VVF chứa dây đồng được bọc bằng vỏ PVC. Bằng cách đặt dây cáp trong lò phản ứng thủy tinh, tiếp xúc với các mức độ bức xạ vi sóng khác nhau và sử dụng khí nitơ để ngăn ngừa quá trình cháy, họ có thể chuyển đổi vỏ PVC thành khí clo và carbon.

Đồng được thu lại và tái sử dụng. Trong khi, khí clo có thể chuyển đổi thành axit clohydric hữu ích, còn carbon và than hoạt tính hình thành từ PVC có thể chuyển thành muội than (carbon đen), thường sử dụng làm chất tạo màu.

Phương pháp này có hiệu quả, PVC không hấp thụ bức xạ vi sóng. Thay vào đó, dây đồng bên trong hoạt động như một loại ăng-ten hấp thụ vi sóng, lần lượt làm nóng PVC xung quanh. Khi PVC nóng lên, chuyển thành carbon, nó cũng hấp thụ vi sóng tốt hơn, giúp đẩy nhanh toàn bộ quá trình.

Theo các nhà nghiên cứu, phương pháp của họ phù hợp để thu hồi rác thải điện tử có chứa kim loại và không cần xử lý trước để tách nhựa khỏi kim loại. Đồng là kim loại có giá trị, nếu được thu thập trở lại, có thể tái sử dụng trong quá trình này.