Hệ thống dẫn truyền của tim là gì?
Cơ thể bạn sử dụng các xung điện để điều khiển cơ bắp khi bạn co giãn và thư giãn, trái tim của bạn cũng không khác. Tuy nhiên, trái tim phải hoạt động 24/7, dù bạn đang ngủ hay thức. Để làm được điều này, nó dựa vào một phần vô thức của hệ thần kinh, được gọi là hệ thần kinh tự động, điều hành một số hoạt động của cơ thể như tim, hơi thở, tiêu hóa,…
Các tế bào trong hệ thống dẫn truyền của tim tạo ra các xung điện, sau đó phân phối tín hiệu lan truyền trong tim. Điều này làm cho các ngăn tim co bóp theo một thứ tự cụ thể, đưa máu đi khắp cơ thể. Khi tim co bóp tạo ra nhịp tim. Trong trường hợp bình thường, tùy thuộc lứa tuổi, nhịp tim từ 60 đến 100 lần mỗi phút khi bạn nghỉ ngơi. Khi bạn hoạt động, tim đập nhanh hơn.
Hệ thống dẫn truyền của tim gồm những bộ phận nào?
Trái tim của bạn có bốn ngăn. Hai ngăn trên là tâm nhĩ trái và tâm nhĩ phải. Hai ngăn dưới là tâm thất trái và tâm thất phải. Bên cạnh đó, hệ thống dẫn điện của tim còn có các bộ phận sau:
+ Nút xoang nhĩ (Sinoatrial). Nút xoang chứa các tế bào có khả năng tự phát xung điện, hoạt động như máy điều hòa nhịp tim tự nhiên cho tim. Nút xoang nằm trong thành tâm nhĩ phải.
+ Nút nhĩ thất (Atrioventricular). Nút nhĩ thất nằm ở thành giữa các ngăn trên của tim. Nút nhĩ thất nhận xung điện từ nút xoang, dẫn truyền các xung điện này xuống bó His. Nút nhĩ thất rất giống với nút xoang nhưng nhỏ hơn và điện truyền ở đây chậm hơn.
+ Bó His (Bundle of His). Bó His là một cụm tế bào kéo dài ra ngoài từ nút nhĩ thất. Những tế bào này dẫn điện nhanh hơn các mô xung quanh, hướng dòng điện sâu hơn vào tim. Bó His nhận xung điện từ nút nhĩ thất.
+ Các nhánh bó (Bundle branches). Các nhánh bó là nơi bó His chia thành hai nhánh, nhánh phải đi đến thất phải, nhánh trái đi đến thất trái, sau đó tỏa đến tận cùng ở các sợi Purkinje. Các nhánh bó mang xung điện đến các vùng của tim, đặc biệt là tâm thất.
+ Sợi Purkinje (Purkinje fibers). Các nhánh bó tỏa ra thành các sợi nhỏ hơn, gọi là các sợi Purkinje. Sợi Purkinje có tốc độ dẫn truyền xung điện đảm bảo sự co bóp đồng bộ của tâm thất. Bó His, nhánh bó và sợi Purkinje thường được mô tả là mạng His-Purkinje.
Hệ thống dẫn truyền của tim hoạt động như thế nào?
Hệ thống dẫn truyền của tim hoạt động theo thứ tự sau: Xung điện được tạo ra bởi nút xoang của tim. Bước này là lúc tâm nhĩ phải và trái (hai ngăn trên của tim) bắt đầu co bóp, trước một khoảng thời gian ngắn trước tâm thất phải và trái (hai ngăn dưới của tim).
Xung điện di chuyển từ nút xoang đến nút nhĩ thất, tại đó các xung điện bị chậm lại một khoảng thời gian rất ngắn, tác dụng làm chậm giúp tâm thất có đủ thời gian để giãn nở và chứa đầy máu, sau đó dẫn truyền vào tâm thất. Xung điện tiếp tục theo mạng His-Purkinje, truyền xuống, lan ra tận đáy tim. Sau đó, xung điện di chuyển lên trên, dọc theo các khu vực bên ngoài của tim. Đây là cách tim bơm máu lên và ra khỏi tim.
Việc van tim đóng lại sau khi co bóp sẽ tạo ra âm thanh đập của tim. Mỗi cơn co bóp đại diện cho một nhịp tim.
Các dấu hiệu cho thấy hệ thống dẫn truyền của tim có vấn đề
Hệ thống dẫn truyền của tim hoạt động theo cách như mô tả ở trên và nó hoạt động tốt nhất khi duy trì ổn định trình tự này. Bất cứ khi nào có sự xáo trộn trình tự này, có thể gây ra nhịp tim bất thường, gọi là rối loạn nhịp tim (tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc không đều).
Một số dấu hiệu phổ biến cho thấy hệ thống dẫn truyền của tim có vấn đề:
- Tim đập nhanh. Cảm giác như tim bạn đang đập thình thịch, đập nhanh hoặc loạn nhịp.
- Chóng mặt hoặc choáng váng. Điều này có thể bao gồm ngất xỉu và bất tỉnh.
- Đột ngột mất ý thức hoặc bất tỉnh.
- Mệt mỏi. Không chỉ cảm thấy mệt mỏi, đây còn là lúc bạn kiệt sức hơn mức bình thường trong một khoảng thời gian kéo dài.
- Suy nhược, giảm sức chịu đựng, sức bền. Cảm giác như bạn có ít hoặc không còn sức lực.
- Hụt hơi. Cảm giác khó thở là dấu hiệu thường gặp của các vấn đề về tim.
- Đau ngực hoặc khó chịu.
Nhiều dấu hiệu trong số này, đặc biệt là đau ngực, chóng mặt, ngất xỉu, đánh trống ngực hoặc khó thở đột ngột là những lý do khiến bạn cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế khẩn cấp.
Để kiểm tra hệ thống dẫn truyền tim, một công cụ chẩn đoán gọi là điện tâm đồ có thể phân tích hoạt động điện của tim bạn. Đây là xét nghiệm đo hoạt động điện của tim bằng cách sử dụng các cảm biến gắn vào ngực.
Bạn có thể làm gì để hỗ trợ hệ thống dẫn truyền của tim?
Có một số hành động bạn có thể thực hiện để giúp ích cho sức khỏe tim mạch của mình.
- Không hút thuốc lá (ngay cả bất kỳ loại thuốc lá điện tử nào).
- Hạn chế uống rượu, bia.
- Tránh sử dụng ma túy.
- Hạn chế sử dụng caffeine. Caffeine là chất kích thích, có thể khiến tim bạn đập nhanh hơn.
- Cẩn thận với các sản phẩm không chỉ thuốc mà cả vitamin, thực phẩm chức năng, thảo dược. Một số sản phẩm có chứa các thành phần có thể làm thay đổi nhịp tim của bạn.
- Duy trì sức khỏe tổng thể của bạn. Ăn uống lành mạnh, thường xuyên hoạt động thể chất, duy trì cân nặng hợp lý là những điều tốt cho sức khỏe của tim và hệ thống điện của nó.