Trong một thập kỷ qua, thế giới chứng kiến một vài cơn bão có sức gió mạnh khủng khiếp, tốc độ xấp xỉ khoảng 300 km/giờ. Nhưng thực tế, tốc độ gió lớn nhất từng được ghi nhận là bao nhiêu?
Năm 1934, tại Đài quan sát Mount Washington ở New Hampshire (Hoa Kỳ), một trận gió mạnh được ghi nhận với tốc độ lên đến 372 km/giờ (231 dặm/giờ).
Hơn 60 năm sau, kỷ lục về tốc độ gió mạnh nhất trên Trái đất được xác nhận. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), sức gió giật tự nhiên lớn nhất được ghi nhận là 407 km/giờ (253 dặm/giờ). Nó xảy ra trên đảo Barrow (Australia) vào ngày 10/4/1996, khi một cơn bão nhiệt đới tấn công hòn đảo biệt lập này. Một máy đo gió tại trạm thời tiết của hòn đảo đã ghi lại cơn gió giật kéo dài từ 3 đến 5 giây. Kỷ lục sức gió mạnh nhất này được cả WMO và Kỷ lục Guinness thế giới công nhận.
Tốc độ gió lớn nhất có nhiều ghi nhận khác nhau tùy thuộc vào nơi gió xuất hiện, thứ tạo ra nó và thiết bị đo gió.
Theo NASA quan sát, những cơn gió mạnh nhất trong Hệ mặt trời xảy ra ở sao Hải Vương, nơi gió có thể thổi với tốc độ 1.770 km/giờ (1.100 dặm/giờ), nhanh hơn 1,5 lần tốc độ âm thanh.
Trên Trái Đất, các đường hầm gió do con người xây dựng có thể tạo ra cơn gió có tốc độ siêu thanh. Như đường hầm gió siêu thanh tại Trung tâm nghiên cứu Glenn của NASA, có thể tạo ra tốc độ gió lên tới Mach 3,5, tức khoảng 4.321 km/giờ (2.685 dặm/giờ). Những luồng gió này được sử dụng để nghiên cứu các điều kiện khắc nghiệt cho máy bay và tàu vũ trụ.
WMO chỉ công nhận dữ liệu tốc độ gió từ các thiết bị như máy đo gió vì đó là phép đo vật lý và đo trực tiếp. Điều đó có nghĩa là những tốc độ gió được đo bằng các thiết bị sử dụng ước tính hoặc tính toán, không được WMO công nhận, do là ước tính gián tiếp. Chẳng hạn như thiết bị Doppler radar có thể ước tính tốc độ gió từ xa dựa trên sóng radar phản hồi. Radar phát ra một xung năng lượng phân tán các giọt mưa hoặc giọt nước trên mây và đo năng lượng quay trở lại. Nó lặp lại quá trình này và tính toán sự khác biệt giữa các phép đo.