Dưới đây là 10 nơi nóng nhất trên thế giới được ghi nhận. Đây là những nơi, nhiệt độ thường vượt quá 50 độ C (122 độ F).

1. Furnace Creek, Death Valley (Mỹ): 56,7 độ C (134 độ F)

Nơi giữ kỷ lục nóng nhất trên Trái đất là Furnace Creek ở Thung lũng chết, California (Mỹ), với nhiệt độ 56,7 độ C (134 độ F) được ghi nhận vào ngày 10/7/1913. Trong những tháng mùa hè, Thung lũng chết có nhiệt độ cao trung bình hằng ngày là 45 độ C (113 độ F). Thung lũng được đặt tên rất phù hợp này, xứng đáng với danh tiếng của nó bởi sức nóng khắc nghiệt, không khí khô khốc. Vùng đất này là một minh chứng cho sự khắc nghiệt của thiên nhiên.

2. Kebili (Tunisia): 55 độ C (131 độ F)

Nhiệt độ nóng nhất được ghi nhận ở châu Phi được đo ở Kebili, Tunisia vào ngày 7/7/1931 là 55 độ C (131 độ F). Nằm trong vùng sa mạc Sahara rộng lớn, Kebili nổi tiếng với những rặng chà là và nhiệt độ thiêu đốt. Thị trấn này mang đến cái nhìn về sức nóng dữ dội, cảnh quan khô cằn của vùng sa mạc Sahara.

3. Ahvaz (Iran): 54 độ C (129,2 độ F)

Nhiệt độ nóng đến 54 độ C (129,2 độ F) được đo ở Ahvaz, Iran trong khoảng thời gian từ 4:51 chiều đến 5:00 chiều giờ địa phương vào ngày 29/6/2017. Ahvaz là thủ phủ của tỉnh Khuzestan, Iran, có dân số khoảng 1,3 triệu người. Thành phố Ahvaz nằm ở khu vực có độ cao trung bình 20 mét trên mực nước biển. Mặc dù cái nóng có thể khiến nhiều người nản lòng nhưng Ahvaz tự hào có một di sản văn hóa phong phú và tinh thần kiên cường.

4. Tirat Zvi (Israel): 54 độ C (129,2 độ F)

Cũng cùng nhiệt độ nóng đến 54 độ C (129,2 độ F) là Tirat Zvi ở Israel, được ghi nhận vào ngày 21/6/1942. Tirat Zvi nằm ngay phía tây sông Jordan, gần biên giới Israel - Jordan. Tirat Zvi có dân số khoảng 1.000 người vào năm 2022. Bất chấp cái nóng cực độ, Tirat Tzvi vẫn phát triển mạnh về nông nghiệp, thể hiện qua các kỹ thuật sáng tạo để sinh tồn ở vùng khí hậu khắc nghiệt.

5. Mitribah (Kuwait): 53,9 độ C (129 độ F)

Nhiệt độ cao thứ năm là 53,9 độ C (129 độ F) được Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) ghi lại, được đo tại trạm thời tiết Mitribah, Kuwait. Nhiệt độ cao này được ghi nhận vào ngày 21/7/2016, từng được ghi nhận nóng kỷ lục ở châu Á. Mitribah, Kuwait là khu vực hẻo lánh, khô cằn, ánh nắng thiêu đốt khiến nơi đây trở thành một điểm đến đầy thách thức.

6. Basra (Iraq): 53,9 độ C (129 độ F)

Basra, Iraq, là nơi ghi nhận nhiệt độ cao nhất 53,9°C (129°F) vào ngày 22/7/2016. Thành phố Basra nằm bên sông Shatt al-Arab thuộc bán đảo Ả Rập, với khoảng 1,5 triệu người sinh sống.

7. Turbat (Pakistan): 53,7 độ C (128,7 độ F)

Đứng thứ bảy về nhiệt độ nóng là 53,7 độ C (128,7 độ F) được ghi nhận ở Turbat, Pakistan vào ngày 28/5/2017. Turbat được biết đến là một trong những thành phố nóng nhất ở châu Á. Turbat nằm ở phía tây nam vùng Balochistan của Pakistan, bên bờ sông Kech.

8. Cửa khẩu Al Jazeera (UAE): 52,1 độ C (125,8 độ F)

Nhiệt độ 52,1 độ C (125,8 độ F) được ghi nhận tại cửa khẩu Al Jazeera, Các Tiểu vương quốc A Rập thống nhất (UAE) vào tháng 7/2002. Vào tháng 7/2013, nhiệt độ cao ở khu vực gần như lặp một lần nữa (đạt 51,2 độ C). Phong cảnh sa mạc khắc nghiệt và sức nóng cực độ thể hiện khí hậu đa dạng và ấn tượng của UAE.

9. Mexicali (Mexico): 52 độ C (125,6 độ F)

Nhiệt độ 52 độ C (125,6 độ F) được ghi nhận ở thung lũng Mexicali, Mexico, vào ngày 28/7/1995. Khu vực Mexicali nằm ở phía bắc bang Baja California của Mexico, phải chịu đựng mùa hè oi bức, nổi tiếng với sức nóng thiêu đốt. Vùng đất này là một trong những vùng có khí hậu khắc nghiệt nhất ở Mexico, với nhiệt độ trung bình tháng 7 là 42,2 độ C (108 độ F).

10. Jeddah (Arab Saudi): 52 độ C (125,6 độ F)

Jeddah, Arab Saudi có nhiệt độ 52 độ C (125,6 độ F) được ghi nhận vào ngày 22/6/2010. Thành phố cảng Jeddah nằm ở phía tây Arab Saudi và đóng vai trò là cửa ngõ chính vào Mecca, với dân số hơn 4,6 triệu người.

* Một vài nơi khác được công bố nhiệt độ cao kỷ lục, nhưng chưa được xác minh. Một trong những nơi nóng nhất trên Trái đất được ghi nhận ở Libya vào năm 1922, ở nhiệt độ 58 độ C (136 độ F). Tuy nhiên, năm 2012, Tổ chức khí tượng thế giới kết luận rằng dữ liệu này “được ghi không chính xác” và sai số khoảng 7 độ C.