Indonesia và Philippines là hai trong ba quốc gia hàng đầu thế giới (sau Hoa Kỳ) về sản xuất năng lượng địa nhiệt. Không có gì ngạc nhiên khi 5 nhà máy điện địa nhiệt lớn nhất châu Á thuộc về hai quốc gia này.

1. Makban Geothermal Complex, Philippines (458 MW)

Khu phức hợp Makiling - Banahaw, còn được gọi là Tổ hợp năng lượng địa nhiệt Makban, tọa lạc ở tỉnh Laguna và tỉnh Batangas (Philippines). Khu phức hợp Makban có diện tích 700ha, với 6 nhà máy điện, bắt đầu sản xuất điện vào năm 1979. Sau đó, khu phức hợp tiếp tục được mở rộng vào các năm 1984, năm 1994, đưa tổng công suất của khu phức hợp Makban lên 458 MW.

2. Gunung Salak Geothermal, Indonesia (377 MW)

Nhà máy điện địa nhiệt Gunung Salak có công suất 377 MW nằm ở mỏ địa nhiệt Salak, đảo Java, cách thành phố Bogor khoảng 40km và cách thủ đô Jakarta (Indonesia) khoảng 70km. Dự án được đưa vào hoạt động từ năm 1994.

3. Sarulla Geothermal, Indonesia (330 MW)

Nhà máy điện địa nhiệt Sarulla có công suất 330 MW nằm ở tỉnh Bắc Sumatra, Indonesia. Nhà máy điện có ba tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 110 MW. Tổ máy đầu tiên bắt đầu vận hành vào tháng 3/2017, tổ máy thứ hai đưa vào sử dụng vào tháng 10/2017, tổ máy thứ ba đi vào hoạt động vào tháng 5/2018.

4. Tiwi Geothermal Complex, Philippines (289 MW)

Khu phức hợp điện địa nhiệt Tiwi nằm ở tỉnh Albay, cách thủ đô Manila (Philippines) khoảng 300km về phía đông nam. Khu phức hợp này bao gồm ba nhà máy điện, mỗi nhà máy có hai tổ máy. Công suất của các nhà máy này là 289 MW. Hoạt động khoan mỏ địa nhiệt bắt đầu vào năm 1972 và nhà máy điện bắt đầu hoạt động vào năm 1979. Đây là một trong những nhà máy địa nhiệt hoạt động lâu đời nhất trên thế giới. 

5. Darajat Geothermal, Indonesia (259 MW)

Nhà máy điện địa nhiệt Darajat nằm cách thủ đô Jakarata khoảng 270km về phía đông nam, gần Garut ở quận Pasirwangi của Tây Java, Indonesia. Nó bao gồm ba nhà máy lần lượt được đưa vào sử dụng vào các năm 1994, 2000 và 2007. Darajat có công suất 259 MW, chủ yếu cung cấp điện cho các tỉnh Bali và Java của quốc đảo này.