Đó là nhà máy điện gió Bình Thạnh, xây dựng tại vùng đất xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Điện gió Bình Thạnh được khởi công vào năm 2008.

Giai đoạn 1, dự án có 20 trụ turbine gió với tổng công suất lắp đặt 30 MW.

Chiều cao trụ là 85 m, cánh quạt dài 37m, đường kính toàn bộ cánh quạt 77m, công suất 1,5 MW/trụ. Tổng trọng lượng turbine là 89,4 tấn, trụ tháp là 165 tấn.

Tốc độ gió cho phép vận hành và phát điện là từ 3 m/s đến dưới 25 m/s (90 km/h)

Ngày 5/8/2009, turbine tổ máy đầu tiên hòa lưới điện quốc gia. Đến tháng 5/2011, cả 20 tổ máy đã hòa lưới điện.

Ngày 18/4/2012, Điện gió Bình Thạnh hoàn thành giai đoạn 1. Mỗi năm dự án sản xuất 85 triệu kWh điện, giảm phát thải hàng năm 58.000 tấn CO2.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2 của dự án sẽ xây dựng và lắp đặt thêm 60 trụ điện gió, nâng tổng công suất của toàn bộ dự án lên 80 turbine với tổng công suất lắp đặt 120 MW.

Điện gió Bình Thạnh là nhà máy được xây dựng đầu tiên tại huyện Tuy Phong, nên tên ban đầu là “Điện gió Tuy Phong”. Sau đó, Điện gió Tuy Phong đổi tên thành “Điện gió Bình Thạnh”, bởi vì đến năm 2015, tại huyện Tuy Phong còn có thêm dự án điện gió Phú Lạc được xây dựng (tại thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, công suất lắp máy 24 MW). Khi xuất hiện Điện gió Phú Lạc thì Điện gió Tuy Phong được gọi là Điện gió Bình Thạnh.

Sáng ngày 5/1/2020 đã xảy ra sự cố làm một trụ điện gió Bình Thạnh bị cháy rụi. Đây là sự cố cháy turbine gió lần đầu tiên xảy ra ở Việt Nam.

Sự có mặt của Điện gió Bình Thạnh đã mở đầu cho ngành công nghiệp điện gió tại Việt Nam.