Các turbine này có đường kính ngoài là 6,2 mét, mỗi turbine nặng 80 tấn, được chế tạo từ thép martensitic cường độ cao. Mỗi turbine có công suất danh định ở mức 500 MW, là công suất cao nhất lần đầu tiên trên thế giới, nhưng chúng vẫn chưa đưa vào sử dụng thực tế.
Các turbine xung lực khổng lồ này sẽ được lắp đặt tại nhà máy thủy điện Datang Zala đang xây dựng trên sông Yuqu, một nhánh của sông Nu ở miền đông Tây Tạng. Dự án này đang được tập đoàn Datang Trung Quốc xây dựng và công việc xây dựng phần chính bắt đầu năm 2023.
Với độ cao thẳng đứng là 671 mét từ hồ chứa đến turbine, hệ thống này đủ tiêu chuẩn là hệ thống thủy điện “cột nước cao”, nơi nguồn nước cao hơn turbine 100 mét hoặc cao hơn. Lực hấp dẫn tuyệt đối cung cấp nước với lực và tốc độ đủ để vận hành turbine với hiệu suất ấn tượng.
Cùng với những tiến bộ trong thiết kế gầu chứa, hiệu suất dự kiến sẽ tăng từ 91 lên 92,6%, tạo ra thêm 190.000 kWh điện mỗi ngày. Bản thân các turbine phá kỷ lục này được Harbin Electric chế tạo trong 4 năm bằng công nghệ trong nước.
Nhà máy thủy điện Datang Zala có tổng công suất lắp đặt 1.000 MW. Mỗi năm, thủy điện Datang Zala dự kiến sản xuất gần 4 tỉ kWh điện. Con số này tương đương việc đốt 1,3 triệu tấn than. Mục tiêu của Trung Quốc là đạt mức trung hòa carbon vào năm 2060. Tập đoàn Datang dự kiến đưa dự án vào hoạt động năm 2028.
Turbine xung lực (trong trường hợp của Datang Zala) là loại turbine mà các tia nước áp suất cao hướng vào các gầu của turbine để làm quay turbine. Bản thân turbine hoạt động trên không, thay vì chìm trong nước. Turbine xung lực hoạt động tốt nhất với cột nước cao. Với lực mà turbine phải chịu 24/7, thép martensitic được chọn vì nó thường bền hơn, chống ăn mòn tốt hơn so với các loại thép khác.
Tuy nhiên, turbine phổ biến nhất là turbine phản ứng, như turbine Francis (là loại turbine sử dụng ở đập thủy điện Tam Hiệp). Chúng được ngập hoàn toàn trong nước và tạo ra moment xoắn từ cả áp suất và chuyển động của nước.