Một sợi cáp 10kV vừa lắp đặt thành công qua một kênh đặt sẵn nằm bên dưới đáy biển, giữa hai hòn đảo thuộc quần đảo Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Đây là dự án đầu tiên thuộc loại này ở Trung Quốc. Tuyến cáp dài 1 km nằm bên dưới đáy biển, đóng vai trò thay thế cho cáp ngầm nằm ở đáy biển, vốn dễ bị hư hỏng do tàu neo đậu.

Quần đảo Chu Sơn là khu vực có số lượng tàu thuyền qua lại ngày càng tăng do sự phát triển nhanh chóng của vận tải biển và đánh bắt cá. Khi tàu neo đậu, có thể làm hư hỏng dây cáp ngầm. Các yếu tố như khí hậu, thủy triều cũng gây khó khăn trong việc phát hiện hư hỏng cáp.

Các kỹ sư của Tập đoàn lưới điện nhà nước Trung Quốc đã sử dụng máy móc để khoan một kênh nhỏ sâu 7 mét, rộng 1 mét bên dưới đáy biển rồi đặt cáp, kết nối truyền tải điện giữa hai hòn đảo với nhau. Vị trí đặt cáp đủ sâu, loại bỏ nguy cơ xảy ra sự cố khi tàu neo đậu.

Tại Trung Quốc, việc cung cấp năng lượng giữa các đảo chủ yếu dựa vào việc truyền tải qua cáp ngầm. Nay với phương án cáp được chôn sâu hơn độ sâu neo tàu, do đó giảm thiểu nguy cơ hư hỏng do neo tàu gây ra.

Ngoài ra, giá thành của loại cáp này thấp hơn, khiến chi phí xây dựng chỉ bằng một nửa so với cáp ngầm đặt trên đáy biển, việc xây dựng cũng dễ dàng hơn. Phương pháp này phù hợp hơn cho việc truyền tải điện khoảng cách ngắn giữa các đảo, không quá 2km. Nhưng mục tiêu dài hạn là kết nối lưới điện giữa các đảo ở khoảng cách dài hơn.