Trung Quốc vừa ra mắt turbine gió ngoài khơi dẫn động trực tiếp mạnh nhất thế giới, đánh dấu bước đột phá mới trong lĩnh vực khai thác điện gió ngoài khơi của Trung Quốc. Turbine gió 17 MW này được phát triển bởi các doanh nghiệp nhà nước là tập đoàn Huaneng Trung Quốc và công ty điện lực Dongfang.

Turbine này vừa chính thức xuất xưởng khỏi dây chuyền sản xuất tại Fuqing, thành phố ven biển thuộc tỉnh Phúc Kiến. Turbine gió này có kích thước rất lớn. Trung tâm trục chính nằm ở độ cao khoảng 152 mét, tương đương tòa nhà 50 tầng. Đường kính rotor là 262 mét, diện tích quét của nó trải rộng khoảng 53.000 m2, tương đương 7,5 sân bóng đá tiêu chuẩn.

Với khả năng sản xuất 68 triệu kWh điện sạch mỗi năm, chỉ riêng một turbine có thể cung cấp đủ năng lượng cho khoảng 40.000 hộ gia đình, theo tập đoàn Huaneng Trung Quốc. Dự kiến, turbine này sẽ được đưa đến vùng biển ngoài khơi Yangjiang, tỉnh Quảng Đông, nơi nó sẽ được thử nghiệm thực tế ngoài khơi.

Điều làm cho turbine này đặc biệt, không chỉ là kích thước hay công suất đầu ra, mà còn là kỹ thuật của nó. Được thiết kế để hoạt động đáng tin cậy trong điều kiện môi trường biển sâu khắc nghiệt, nó có thể chịu được sóng lớn cao đến 24 mét, chịu được bão dữ dội đến cấp 17 với sức gió lên tới 209 km/giờ.

Turbine này được tích hợp hệ thống cảm biến thông minh, cho phép kiểm soát độ ổn định toàn diện cho toàn bộ cấu trúc nổi, điều cần thiết cho hoạt động an toàn và hiệu quả trong môi trường biển sâu phức tạp. Hệ thống ổn định độc đáo của nó đảm bảo phát điện ngay cả khi bệ nghiêng đáng kể.

Một khía cạnh đáng chú ý của dự án này là chuỗi cung ứng nội địa hoàn chỉnh. Tất cả thành phần cốt lõi, như cánh quạt, máy phát điện, bộ chuyển đổi, máy biến áp, đều sản xuất tại Trung Quốc. Trong đó, có ổ trục chính đường kính lớn đầu tiên sản xuất trong nước, được tích hợp vào thiết kế cuối cùng của turbine.

Sự đổi mới năng lực sản xuất trong nước, giúp giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài và hỗ trợ ngành công nghiệp năng lượng sạch của quốc gia. Khi cạnh tranh toàn cầu trong lĩnh vực điện gió nổi ngoài khơi ngày càng gay gắt, việc có nền tảng công nghệ tự chủ mang lại cho Trung Quốc một lợi thế mạnh mẽ.

Thành công của turbine này cũng có ý nghĩa sâu rộng đối với chiến lược năng lượng của Trung Quốc. Vùng nước gần bờ (độ sâu từ 5 - 50 mét) cung cấp công suất gió lên tới 500 GW. Tuy nhiên, theo Viện nghiên cứu năng lượng thuộc Ủy ban phát triển và cải cách quốc gia, các vùng biển sâu của Trung Quốc có tiềm năng năng lượng có thể gấp ba đến bốn lần.