Một trong những yếu tố lớn nhất gây ra biến đổi khí hậu, đó là lượng carbon dioxide (CO2) quá cao trong khí quyển, dẫn đến hiệu ứng khí nhà kính. Bể chứa carbon trong tự nhiên bao gồm các hệ sinh thái khác nhau, là nơi hấp thụ và lưu trữ CO2, thúc đẩy quá trình cô lập carbon, làm giảm lượng khí nhà kính. 10 bể chứa carbon lớn nhất trong tự nhiên sau đây cho bạn biết vai trò to lớn của chúng.
● Đại dương (Ocean): Các đại dương trên thế giới là bể chứa carbon lớn nhất, đóng vai trò quan trọng chống lại tác động của biến đổi khí hậu. Ngoài việc tạo ra một nửa lượng oxy của thế giới, đại dương còn hấp thụ 25% tổng lượng khí thải carbon. Tuy nhiên, khi nhiệt độ tăng, đại dương cũng hấp thụ 90% lượng nhiệt dư thừa trong khí quyển, kết hợp với mức CO2 tăng cao, dẫn đến axit hóa nước biển, làm giảm vai trò của chúng trong việc ổn định khí hậu.
● Rừng (Forest): Rừng là bể chứa carbon rộng lớn do khả năng hấp thụ CO2 của cây, thông qua quá trình quang hợp và lưu trữ carbon trong sinh khối của chúng. Tuy nhiên, nạn phá rừng nhanh chóng đang làm giảm khả năng lưu trữ này và giải phóng lượng carbon lưu trữ trở lại khí quyển, góp phần làm khí hậu nóng lên.
● Rừng ngập mặn (Mangrove): Rừng ngập mặn là hệ sinh thái ven biển nằm giữa đất liền và biển. Khu vực này là bể chứa carbon tuyệt vời, đóng vai trò rất quan trọng trong việc chống lại biến đổi khí hậu. Chúng lưu trữ một lượng lớn carbon trong thảm thực vật, rễ và đất của chúng. Rừng ngập mặn cũng cung cấp môi trường sống cho một số loài sinh vật.
● Đất ngập nước (Wetland): Đất ngập nước, chẳng hạn như đầm lầy, đất than bùn, là bể chứa carbon cực kỳ hiệu quả. Chúng tích tụ chất hữu cơ, phân hủy chậm qua nhiều thế kỷ trong điều kiện ngập nước, dẫn đến hấp thụ và lưu trữ một lượng lớn carbon. Chúng còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp môi trường sống cho nhiều loài động vật, thực vật. Việc bảo vệ và phục hồi các vùng đất này là điều cần thiết để duy trì vai trò bể chứa carbon của chúng.
● Đất (Soil): Đất khỏe mạnh có thể hoạt động như bể chứa carbon. Các nhà khoa học ước tính, đất của Trái đất chứa 2.500 tỉ tấn carbon, gấp ba lần so với khí quyển và gấp bốn lần so với thực vật và động vật. Các phương pháp canh tác bền vững và các kỹ thuật quản lý đất, làm tăng chất hữu cơ trong đất, giúp cô lập và lưu trữ carbon.
● Đá (Rock). Carbon dioxide được lấy ra khỏi không khí trong quá trình khoáng hóa carbon bởi một số loại đá nhất định, như đá peridotite (ultramafic), đá bazan. Quá trình hấp thụ carbon tự nhiên này tạo thành các khoáng chất carbonate, có khả năng loại bỏ và cô lập CO2 hiệu quả. Các nhà khoa học đang nghiên cứu các cách để đẩy nhanh quá trình này với tiềm năng loại bỏ 1 tỉ tấn CO2 mỗi năm khỏi khí quyển trên toàn cầu vào năm 2035 và 10 tỉ tấn CO2 mỗi năm vào năm 2050.
● Đồng cỏ biển (Seagrass Meadow): Đồng cỏ biển hoặc thảm cỏ biển là hệ sinh thái được hình thành bởi cỏ biển, ở vùng nước ven biển và vùng nước lợ ở cửa sông. Đồng cỏ biển có hiệu quả cao trong việc cô lập carbon. Chúng giữ lại chất hữu cơ, lưu trữ carbon trong các trầm tích bên dưới chúng, khiến chúng trở thành bồn chứa carbon ven biển có giá trị.
● Tảo nở hoa (Algae Bloom): Tảo nở hoa quy mô lớn trong đại dương có thể hoạt động như bể chứa carbon tạm thời. Tảo hấp thụ CO2 trong quá trình quang hợp, khi tảo chết và chìm xuống đáy đại dương, chúng mang theo carbon hấp thụ được.
● Sinh vật phù du (Plankton): Sinh vật phù du không chỉ tạo ra một lượng đáng kể oxy mà còn hấp thụ và lưu trữ một lượng lớn CO2 do hoạt động của con người tạo ra, khiến chúng trở thành tác nhân đáng kể trong quá trình cô lập carbon trong đại dương. Thông qua quá trình quang hợp, sinh vật phù du chuyển đổi carbon thành sinh khối, sau đó đi vào chuỗi thức ăn ở biển. Tuy nhiên, sinh vật phù du phải đối mặt với các mối đe dọa từ ô nhiễm, sự nóng lên của đại dương và axit hóa.
● Không gian xanh đô thị (Urban Green Space): Không gian xanh đô thị, như công viên và vườn cây, cũng đóng vai trò là bồn chứa carbon cục bộ. Thảm thực vật trong thành phố hấp thụ CO2 và lưu trữ carbon, giúp giảm thiểu dấu chân carbon ở các đô thị.
Các bể chứa carbon tự nhiên ở trên làm nổi bật phạm vi đa dạng của chúng trong vai trò cô lập và lưu trữ carbon dioxide. Bảo vệ các bể chứa carbon tự nhiên này là bạn đã góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu.